Gặp nông dân năng động ở Khe Lành

Bằng sự nhạy bén, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất phù hợp, đến nay, đã có nhiều nông dân tại các cơ sở của huyện Phù Yên trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất và phong trào xóa nghèo. Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi đã được gặp một nông dân như thế ở bản đặc biệt khó khăn Khe Lành, xã Mường Thải...!

Anh Triệu Văn Mừng thu hái cam.

 

Đến xã Mường Thải, hỏi tới anh Triệu Văn Mừng, sinh năm 1989, bản Khe Lành, gần như ai cũng biết anh. Chàng trai trẻ người dân tộc Dao này bắt đầu được mọi người chú ý và nhắc tới từ năm 2013. Đây là thời điểm anh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất dốc trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Khi đó, nhiều người trong xã, bản, thậm chí cả trong gia đình đã khuyên anh rất nhiều. Vì họ cho rằng vùng đất cằn cỗi này sao có thể trồng được cam, quýt. Tuy nhiên, với sự nhạy bén và mạnh dạn của tuổi trẻ, anh đã đến tận tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ tham quan và học tập kinh nghiệm trồng cam, quýt. Sau đó, anh đã xuống tận Hưng Yên mua trên 1.000 cây cam canh và cam Vinh về thay thế toàn bộ diện tích 1ha đất dốc từng trồng ngô, sắn. Đây cũng là giai đoạn chàng trai trẻ Triệu Văn Mừng gặp khó khăn khi thiếu vốn đầu tư phân bón, hệ thống nước, thiếu kinh nghiệm chăm sóc, nên số cây giống chết tới 20%. Anh Triệu Văn Mừng tâm sự: Giai đoạn đầu cũng nản lắm, nếu mình không quyết tâm thì không thể thành công được. Bởi khi đó, vốn khởi nghiệp ít, không đủ tiền để đầu tư hệ thống nước, mua phân bón. Đến ngay tiền phun thuốc chống dịch bệnh cho cây phải đi vay... Đến tháng 9/2014, huyện Phù Yên đã hỗ trợ theo chương trình chuyển đổi cây trồng trên đất dốc và xây dựng mô hình trồng cây ăn quả cho 10 hộ trong bản. Trong đó, gia đình được hỗ trợ 110 cây cam canh và được cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn trực tiếp. Sau đó, gia đình được ngân hàng chính sách huyện cho vay 25 triệu đồng theo diện hộ nghèo. Có vốn, tôi đã đầu tư hệ thống nước tưới phun để phòng chống bệnh nhện đỏ và cung cấp nước cho cây. Do vậy, việc chăm sóc cam sau này cũng đỡ vất vả hơn, không còn lo về mặt kỹ thuật nữa. Vụ đầu tiên là năm 2016, theo kinh nghiệm của các mô hình trồng cam, gia đình để đậu ít hoa, chỉ thu trên 1 tấn cam nhằm đánh giá chất lượng, mẫu mã, giữ cho cây khỏe vụ sau. Vụ cam năm nay, vườn cam của gia đình đã thu trên 6 tấn quả và còn khoảng 9 tấn quả chưa thu. Cam hái bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Giá cam đường canh là 30.000 đồng/kg và cam Vinh là 25.000 đồng/kg. Từ mô hình của gia đình, bà con trong bản đã thay đổi suy nghĩ và ngoài những hộ được hỗ trợ cây giống theo chương trình chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, nhiều hộ đã cải tạo đất trồng cây ăn quả có múi.

Mô hình của gia đình anh Triệu Văn Mừng được đánh giá là một trong những mô hình bội thu, sản phẩm đạt cả về chất lượng và mẫu mã. Không chỉ cung cấp trên địa bàn huyện, tỉnh, sản phẩm cam của gia đình còn góp mặt ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên... Thậm chí còn có khách hàng tận Lâm Đồng đặt hàng với số lượng lớn, nhưng do ở xa nên chưa đáp ứng được. Cũng nhờ trồng cây ăn quả trên đất dốc, gia đình anh Mừng đã thoát nghèo, hiện tại gia đình vay Agribank Phù Yên 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất, trong đó đầu tư nuôi thêm 9 con bò.

Ông Đỗ Văn Tốt, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải, thông tin: Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã, chúng tôi sẽ đưa cây cam vào trồng tại 5 bản vùng cao và 2 bản vùng thấp. Đến nay, 100% bản trong xã đã trồng 180 ha cam, trong đó 100 ha đã cho thu hoạch và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều gia đình đã thoát được nghèo từ chuyển đổi cây trồng trên đất dốc. Xã sẽ tranh thủ các nguồn vốn 135, 30a để đầu tư theo mô hình nhóm hộ, tổ chức hợp tác để hỗ trợ nhau về kỹ thuật. Riêng trong năm nay, sản lượng cam của xã đạt khoảng 3.000 tấn quả. Đến hiện tại, đầu ra của sản phẩm ổn định, chủ yếu vẫn là thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, để giúp người trồng cam yên tâm, chúng tôi sẽ quy hoạch vùng trồng, tránh trồng tràn lan và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm cây ăn quả có mùi...

Nhắc tới cái tên Khe Lành, một trong 5 bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Thải, không ít người luôn nhớ tới những câu chuyện về một bản đồng bào dân tộc Dao với 100% số hộ nghèo, kinh tế của bản không có gì nổi bật, người dân chỉ biết đi làm thuê, cuốc mướn. Thậm chí, nhà nước đã tốn rất nhiều kinh phí đầu tư các chương trình, dự án giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng... nhưng vẫn không hiệu quả bởi đồng bào chưa tích cực trong sản xuất. Qua việc phát triển hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của gia đình nông dân Triệu Văn Mừng cũng như việc các hộ trong bản đã chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, có thể khẳng định: Đây sẽ là động lực để thúc đẩy người dân nơi đây vươn lên xóa nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của quê hương, góp phần đáng kể vào quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, xây dựng Mường Thải ngày một giàu mạnh...

Quốc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới