Đồng Lỳ đưa gia súc ra khỏi gầm sàn

Từ xa xưa ông bà ta thường hay truyền nhau câu tục ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp”, bởi thời điểm khi đó, cơ giới hóa nông nghiệp chưa phổ biến, người nông dân ở khắp các bản làng vùng cao, vùng khó khăn dùng trâu bò để cày bừa, làm đất và vận chuyển nông sản trong sản xuất nông nghiệp. Chúng gần gũi với con người như vậy nên không khó hiểu khi bà con dân tộc Mường ở bản Đồng Lỳ, xã Huy Hạ (Phù Yên) nói riêng và một số vùng nói chung, giữ thói quen buộc trâu bò dưới gầm sàn nhà ở. Những ngày cuối tháng 3 này, chúng tôi có dịp về thăm bản Đồng Lỳ để chứng kiến những nỗ lực nhằm từng bước cải thiện môi trường sống trong việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở của người dân nơi đây.

 

Nhân dân bản Đồng Lỳ di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.

 

Bản Đồng Lỳ nằm gần trung tâm xã Huy Hạ, có 110 hộ dân sống dọc theo tuyến quốc lộ 37, cả bản có hơn 200 con trâu, bò. Trước đây, việc nuôi nhốt  gia súc dưới gầm sàn nhà ở là thói quen lâu đời, vì trong suy nghĩ của bà con, gia súc là tài sản lớn trong gia đình, nên cần phải nhốt dưới gầm sàn để tránh trộm cắp. Hơn nữa, nhiều hộ gia đình ở đây có quỹ đất hạn hẹp nên không đủ mặt bằng để xây dựng chuồng trại; số hộ còn lại đa số là hộ nghèo, kinh tế còn khó khăn mà nguồn kinh phí để hỗ trợ còn quá ít so với yêu cầu. Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ bà con chưa nhận thức đúng và coi việc di dời chuồng trại là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nên chưa tích cực hưởng ứng và thực hiện... Theo đó, đã gây ô nhiễm môi trường sống và tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho cộng đồng.

Thời gian gầy đây, Ban quản lý bản đã làm tốt công tác vận động đoàn viên trong bản tham gia hưởng ứng, giúp đỡ ngày công lao động xây dựng chuồng trại. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở nên trong bản không còn cảnh trâu, bò thả rông như trước. Thay vào đó, trâu, bò được nhốt trong chuồng riêng. Chuồng trâu, bò hầu hết được bà con xây bằng gạch hoặc dựng cột gỗ, lát nền xi măng, mái lợp prô xi măng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông và cách xa nhà ở.  Nhờ di chuyển gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở mà công tác chăm sóc, phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc được thuận lợi, trâu, bò phát triển tốt hơn. Trong bản xuất hiện nhiều hộ dân điển hình trong phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Gia đình ông Sa Văn Đinh, Sa Văn Đển, Đinh Văn Thân...

Anh Nông Văn Tân, cán bộ Thú y xã Huy Hạ, dẫn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi bò của gia đình bà Hoàng Thị Ẹt, bản Đồng Lỳ, bà Ẹt cho biết: Được Trưởng bản cùng ban quản lý bản đến tận nhà tuyên truyền, vận động, hiểu được lợi ích trong việc di dời chuồng trại, lại được các cháu thanh niên trong bản giúp, dù kinh tế gia đình còn khó khăn tôi vẫn quyết định thực hiện di dời chuồng trại ra xa nhà ở, vừa đảm bảo sức khỏe cho gia đình, vừa giúp vệ sinh môi trường trong bản sạch đẹp.

Đến nay, 100% hộ nuôi gia súc trong bản đã thực hiện di rời trâu bò ra khỏi gầm sàn nhà ở. Với những kết quả bước đầu đạt được, trong thời gian tới, Ban quản lý bản tiếp tục vận động bà con ký cam kết, gắn nội dung di chuyển chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở vào hương ước, quy ước của bản và bình xét gia đình văn hóa... Cùng với đó, trong quá trình di dời, bản cũng sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã xây dựng kế hoạch, hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trong xây dựng chuồng trại chăn nuôi, góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường, phấn đấu để xã Huy Hạ sớm về đích nông thôn mới trong năm nay.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới