Đổi thay trên bản tái định cư Thượng Phong

Sau gần 30 năm chuyển về tái định cư trên quê hương thứ hai, cuộc sống của bà con bản Thượng Phong, xã Huy Tân (Phù Yên) đã có nhiều khởi sắc. Những ngôi nhà sàn khang trang dựng bên nhau, những nương ngô, nương sắn xanh mướt trải dài khắp sườn đồi. Cuộc sống người dân bản Thượng Phong đang khởi sắc.

Mô hình nuôi lợn của gia đình chị Đinh Thị Vướn, bản Thượng Phong, xã Huy Tân (Phù Yên).

Tháng 10/ 1988, thực hiện chương trình di dân xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, 45 hộ dân bản Xanh Vàng, xã Tường Phong (Phù Yên) đã chuyển về tái định cư tại bản Thượng Phong, xã Huy Tân. Thời gian đầu gặp không ít khó khăn do còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng được sự hỗ trợ của nhà nước cùng sự giúp đỡ của nhân dân sở tại, bà con đã động viên nhau xây dựng cuộc sống mới. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lường Văn Thanh, Trưởng bản Thượng Phong đúng thời điểm gia đình ông đang hoàn thiện ngôi nhà xây 3 tầng. Ông Thanh chia sẻ: Trước đây ở bản cũ, cuộc sống của người dân bản Xanh Vàng còn nhiều khó khăn, không có điện lưới phải sử dụng đèn dầu, không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giao thông đi lại khó khăn, con đường đất duy nhất  vào bản khi trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi bẩn. Chuyển đến nơi ở mới, gia đình tôi được nhận hơn 1.000 m2 đất ở và đất ruộng cùng tiền và vật nuôi. Đường sá đi lại thuận tiện, con cháu có điều kiện học hành tốt hơn. Điện, nước sinh hoạt được mắc đến tận nhà. Được dùng điện lưới ổn định nên gia đình đã mua tivi, tủ lạnh. Bây giờ, chúng tôi yên tâm lao động, sản xuất phát triển kinh tế nơi quê mới.

Khi nhắc đến những thay đổi trong cuộc sống, chị Đinh Thị Vướn, bản Thượng Phong, kể: Những ngày đầu về bản mới, đất sản xuất thiếu, bà con được xã Huy Tân cho mượn thêm ruộng phần trăm để trồng lúa và mượn gần 30 ha đất của Nông trường Sông Mưa trồng ngô, sắn, dong riềng. Bây giờ, bà con dân bản đã quen với phương thức sản xuất mới, gia đình nào cũng chăn nuôi gia súc, trồng ngô, sắn. Riêng gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, với thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm. Với tôi, niềm vui lớn nhất là con cái được ăn học đàng hoàng, được nhìn quê hương mới ngày càng khang trang, khởi sắc.

Chăn nuôi đã và đang được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bà con bản Thượng Phong thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng quy mô và chất lượng đàn vật nuôi. Qua các buổi tập huấn của cán bộ khuyến nông xã, bà con đã biết cách trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi; chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; thay đổi tập quán nuôi nhốt trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở bằng việc xây dựng chuồng trại cách xa nơi ở. Cả bản hiện có hơn 100 con trâu, bò; 1.500 con lợn; trên 2.500 con gia cầm các loại.

Bên cạnh quan tâm phát triển kinh tế,  đời sống văn hóa theo nếp sống mới cũng được bản quan tâm. Bà con thực hiện tốt hương ước, quy ước trong việc cưới, việc tang; thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi gia đình có việc hiếu, việc hỷ. Bản hiện có 2 đội văn nghệ, gồm đội văn nghệ người cao tuổi và đội văn nghệ hội phụ nữ, thường xuyên tập luyện, biểu diễn trong các dịp lễ, tết và giao lưu với các bản trong xã. Qua bình xét hằng năm, bản có trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa.

Bản tái định cư Thượng Phong hôm nay đã đổi thay. Tin rằng, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn của nhà nước, cùng với sự năng động trong tư duy phát triển kinh tế, đời sống của người dân bản TĐC Thượng Phong sẽ ấm no, hạnh phúc.

Lò Thái (Phù Yên)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới