Độc đáo Tết xíp xí của đồng bào Thái trắng Phù Yên

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày 14/7 âm lịch - ngày Tết xíp xí của đồng bào Thái trắng Phù Yên. Theo quan niệm của người dân, ngày này là dịp con cháu hướng về tổ tiên; trẻ con được quan tâm đặc biệt, được vui chơi thoải mái và được cha mẹ may cho những bộ quần áo mới...

Thi ẩm thực trong ngày Tết xíp xí của đồng bào Thái trắng xã Quang Huy (Phù Yên).

Theo các cụ cao niên kể lại, ngày trước, con trâu - “đầu cơ nghiệp” của mỗi gia đình, thường được giao cho con trẻ chăn dắt. Vào ngày 14/7 âm lịch hằng năm, đàn ông ở nhà vui tết, còn trẻ con đi chăn trâu. Thấy bị thiệt thòi, lũ trẻ nghĩ ra kế lấy dây rừng buộc hết mõm trâu lại không cho ăn. Súc vật bị đói, bị gầy nên người lớn đành gói xôi, gà luộc, bánh ít mang tới cho lũ trẻ. Vì vậy, Tết xíp xí còn được gọi là ngày tết trẻ con. Tết xíp xí nằm trong lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa, là lễ hội đặc sắc của đồng bào Thái trắng huyện Phù Yên. Đây là dịp thờ cúng tổ tiên, tổng kết mùa vụ, tạ ơn trâu cày, nhớ công lao người chăn dắt. Tết thường có 2 phần, phần “mo” tức thờ cúng tổ tiên, cầu xin tạo mường phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân bản dồi dào sức khỏe để lao động sản xuất, trẻ con dễ nuôi, hay ăn, mau lớn; còn phần hội sẽ tổ chức ăn uống, vui chơi, giao lưu văn nghệ...

Mặc dù ngày tết chỉ tổ chức duy nhất trong ngày 14/7 âm lịch, nhưng mỗi gia đình đều chuẩn bị chu đáo cách đó nhiều ngày. Phụ nữ vào rừng hái lá dong, chuẩn bị gạo nếp dẻo, lá tím để đồ xôi, gói bánh ít. Đàn ông ra suối bắt cá về nướng, lên rừng đốt tổ ong lấy nhộng để chế biến, cho mâm cơm cúng được đầy đủ. Trong ngày Tết xíp xí của đồng bào Thái trắng Phù Yên cũng không thể thiếu bánh ít (còn gọi là bánh tình nhân). Bánh được làm bằng bột gạo nếp ngon từ vụ chiêm, trong có nhân đỗ nho nhe, thịt lợn băm và hạt tiêu đen. Gạo nếp đãi sạch, ngâm kỹ rồi xay thành bột, trắng, mịn như bột lọc. Bột nhào xong tán dẹt, bỏ nhân đậu, thịt vào giữa, đặt vào hai đầu lá chuối rừng, rồi cuốn lại thành một ống dài, hai đầu bánh vặn ngược chiều, rồi gập lại thành đôi và buộc chặt bằng lạt giang chẻ mỏng để không làm gẫy lá. Sau đó, bánh được xếp vào chõ gỗ để đồ, không bị nhão và giữ được hương thơm đặc trưng.

“Kháu đằm dà hanh, kháu đèng dà nưởi” (cơm đen tăng thêm sức, cơm đỏ xua mỏi mệt) là câu truyền miệng của đồng bào Thái vùng này, cũng chính vì thế, xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong dịp tết Xíp xí, họ quan niệm xôi nhiều màu thì gia đình nhiều may mắn, vía con trâu cày thêm khỏe mạnh. Cùng với xôi ngũ sắc và bánh ít, trong mâm cơm cúng ngày Tết xíp xí còn có thịt vịt, vì con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, cúng thịt vịt là mong muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, làm trôi theo dòng nước suối những điều không may mắn, điềm xấu, điềm gở...

Ông Lò Tiến Ninh, bản Mo 1, xã Quang Huy, cho biết thêm: Tết xíp xí được tổ chức tại các gia đình, dòng họ, tùy hoàn cảnh mà tổ chức to nhỏ khác nhau. Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm, chúc nhau sức khỏe và cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để gia chủ thể hiện lòng mến khách, người quen được mời trước đó vài ngày và được đón tiếp nồng hậu, chu đáo, được thưởng thức những món ăn dân tộc đặc trưng, nhà nào càng nhiều khách đến thì càng nhiều may mắn. Trong ngày tết, không chỉ có ăn uống mà còn có “khắp chúc muôn” (hát chúc mừng), “khắp sòn côn” (hát dạy làm người) và “khắp báo sao” (hát giao duyên) lúc ăn uống và lúc thăm nhau. Vào buổi chiều ngày tết, nhiều bản còn tổ chức hội vui chung, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi người cùng ném yến, tung còn, kéo co, đẩy gậy, múa, khắp đối đáp, cùng hòa vào vòng xòe mang đậm bản sắc dân tộc.

Ngày nay, xã hội phát triển và có sự giao thoa văn hóa, nên đồng bào Mường ở các xã vùng trọng điểm lúa Phù Yên cũng tổ chức ăn Tết xíp xí, song không tổ chức cúng tổ tiên như đồng bào Thái trắng ở Quang Huy. Và dù có nhiều thay đổi về các món ăn trong ngày tết cũng như hình thức tổ chức, nhưng về ý nghĩa và tính nhân văn của ngày Tết xíp xí vẫn được phát huy và lan tỏa, nhằm lưu giữ hồn cốt của đồng bào dân tộc Thái trắng ở Phù Yên.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.