Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, năm 1989, có 9 hộ dân ở xã Tường Phong đã nhường đất cho vùng lòng hồ thủy điện để di chuyển đến bản Lá, xã Gia Phù (Phù Yên) sinh sống xen ghép. Sau 28 năm trên quê hương mới, từ 9 hộ tái định cư ban đầu nay đã tách ra thành hơn 30 hộ với 4 thế hệ sinh sống hòa nhập với người dân địa phương, họ luôn cần cù, tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trường Mầm non Gia Phù (Phù Yên) được đầu tư xây mới ở bản Lá, phục vụ tốt nhu cầu học tập của con em trong xã.
Người dân bản Lá đã nhường cơm, sẻ áo, chia sẻ những khó khăn với các hộ tái định cư trong những ngày đầu đến quê mới, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Các hộ được chia đất canh tác theo nhân khẩu; hỗ trợ tiền, các vật dụng cần thiết và gạo ăn trong 3 tháng đầu; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, giúp bà con làm kinh tế, tăng thu nhập. Với những hộ kinh tế khó khăn, xã còn tạo điều kiện giúp bà con được vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến nay, cuộc sống của bà con tái định cư đã ổn định, nhiều hộ có thu nhập cao.
Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường mới được cứng hóa bằng bê tông trong bản, ông Đinh Kim Ngọc, Trưởng bản Lá vui vẻ nói: Năm 1989, khi đó tôi đang làm Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phù, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tôi cùng các cán bộ xã, huyện tích cực tham gia vận động các hộ dân ở xã Tường Phong di chuyển đến nơi ở mới. Khi đó, ở xã vẫn còn Hợp tác xã Liên hiệp xí nghiệp Gia Phù, vì vậy ngay khi chuyển đến nơi ở mới, các hộ tái định cư được Hợp tác xã chia 260 m2 đất ruộng/khẩu, được hỗ trợ tiền, quần áo, lưới bắt cá, xoong nồi quân dụng và gạo ăn trong 3 tháng đầu. Nhờ vậy mà đời sống của bà con tái định cư nhanh chóng ổn định. Khi đó, tôi còn nhận kết nghĩa anh em ông Sa Đức Cảnh, là hộ tái định cư ở xã Tường Phong chuyển về. Do chưa có đất ở, tôi đã chia 2.000 m2 đất của nhà cho gia đình ông Cảnh sinh sống ổn định tới bây giờ.
Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà sàn ngay giáp nhà ông Ngọc, ông Sa Đức Cảnh phấn khởi cho biết: Từ khi chuyển về bản Lá sinh sống đến nay, tình cảm giữa gia đình tôi và gia đình ông Đinh Kim Ngọc ngày khăng khít. Hiện nay, gia đình tôi đã có 4 thế hệ sinh sống tại bản. Các con trai hiện đều có công việc ổn định với các nghề: Cán bộ khuyến nông, công chức xã và lái xe tải. Gia đình tôi vẫn duy trì sản xuất 4.000 m2 ruộng lúa 2 vụ, nuôi thêm 8 con bò sinh sản và 7 con lợn, mỗi năm thu nhập được hơn 100 triệu đồng. Tôi đã chia đất, xây nhà riêng cho các cháu, hiện chỉ còn gia đình con trai út là ở cùng với vợ chồng tôi.
Còn ông Sa Đình Tán, 62 tuổi, cũng là hộ tái định cư ở bản Bèo, xã Tường Phong chuyển đến bản Lá sinh sống từ năm 1989, đến nay đã con cháu đề huề. Từ năm 1995 đến tháng 7/2017, ông Tán đã từng làm Phó Bí thư, Bí thư Chi bộ bản. Hiện gia đình ông Tán làm nghề nấu rượu, nuôi 2 con trâu, cấy 1.500 m2 ruộng lúa 2 vụ và trồng 400 m2 tỏi vụ Đông. Ông Tán cho biết: Bây giờ, trong bản cũng chỉ còn ít người biết những hộ tái định cư ở xã Tường Phong chuyển đến, do các thế hệ được sinh ra và lớn lên đã hòa nhập cùng nhân dân sở tại. Nhiều hộ tái định cư và người dân sở tại đã trở thành thông gia và chấp hành tốt các quy định của bản, sống đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình. Những khó khăn, vất vả của ngày đầu tái định cư trên quê mới đã lùi xa, đời sống của bà con đang có những đổi thay tích cực từng ngày.
Được biết, bản Lá hiện có 125 hộ, 486 khẩu dân tộc Thái, Mường cùng sinh sống. Cả bản hiện có 126 ha lúa 2 vụ, năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha, sản lượng đạt 1.260 tấn/năm; bà con trong bản còn tranh thủ trồng hơn 50 ha đất vụ đông gồm: Tỏi, rau, ngô, khoai lang, khoai tây để tăng thu nhập và làm thức ăn cho chăn nuôi. Hiện, các hộ dân trong bản nuôi hơn 100 con trâu, 80 con bò Dự án 1460. Cùng với đó, còn có 10 người làm cán bộ, công nhân tại Nhà máy may Gia Phù và trên 50 người đi lao động ngoài tỉnh. Theo rà soát năm 2016, bản có 7 hộ nghèo thì đến tháng 9/2017 chỉ còn 1 hộ nghèo. Bản Lá đạt bản văn hóa từ năm 1996. Hiện bản có 3 đội văn nghệ, 1 đội thể thao thường xuyên luyện tập, biểu diễn và thi đấu vào những lễ, tết. Trưởng bản Lá Đinh Kim Ngọc cho biết thêm: Xã Gia Phù vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, bản Lá cũng đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2017, với 100% tuyến đường nội bản và đường nội đồng được bê tông hóa từ nguồn đóng góp kinh phí và công lao động của người dân. Trên địa bàn bản mới được đầu tư nâng cấp nhà văn hóa, xây mới Trường Mầm non Gia Phù và nhà lớp học 2 tầng, 8 phòng học của Trường Tiểu học Gia Phù với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng, phục vụ tốt nhu cầu học tập của con em trong bản và trong xã.
Chia tay bản Lá, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con khi xã Gia Phù được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, với sự đóng góp không nhỏ của người dân trong xã nói chung và bản Lá nói riêng. Trong đó, có những hộ dân tái định cư thủy điện Hòa Bình đã hòa nhập, đoàn kết cùng người dân địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!