Từ năm 2014, cây thanh long ruột đỏ bắt đầu bén rễ trên diện tích đất ruộng một vụ của bản Đông, xã Tường Phù (Phù Yên), cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 - 3 lần so với trồng các loại cây nông nghiệp khác, giá bán ổn định.
Cán bộ xã trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long ruột đỏ
với ông Lò Văn Nềnh, bản Đông, xã Tường Phù (Phù Yên).
Hiện, bản Đông có 12 hộ trồng gần 1 ha cây thanh long ruột đỏ, 100% diện tích đã cho thu hoạch. Đây là mô hình được Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ cột bê tông, giống cây và kỹ thuật trồng. Thanh long ruột đỏ là cây thuộc họ xương rồng nên rất dễ trồng, khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh; quả to, vỏ mượt, ruột đỏ tươi, ăn có vị ngọt mát, năng suất cao. Cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch nhiều năm, không tốn nhiều công chăm sóc. Theo giới thiệu của anh Đinh Văn Kỳ, Trưởng bản Đông, chúng tôi đến thăm vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Lò Văn Nềnh, là một trong những hộ đầu tiên trồng cây thanh long ruột đỏ trong bản. Ông Nềnh chia sẻ: Năm 2014, được Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ cột bê tông, giống cây và kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ, gia đình tôi đã đăng ký trồng 160 gốc thanh long ruột đỏ trên 3.000 m² đất ruộng một vụ của gia đình. Sau 1 năm trồng, cây đã cho thu hoạch quả, vụ năm 2015, gia đình thu được 5 tạ quả, trị giá gần 15 triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ cây thanh long ruột đỏ, năm 2017, gia đình tự ươm giống trồng thêm 1.000 m2 thanh long ruột đỏ. Hiện mỗi vụ, gia đình tôi thu hoạch từ 1,2 - 1,5 tấn quả, thu từ 40 - 45 triệu đồng/vụ.
Theo các hộ dân ở bản Đông, trồng cây thanh long cần sử dụng trụ bê tông cao từ 1,8 - 2,1 m, cạnh vuông 12 cm, trụ được chôn sâu 40 - 60 cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,4 m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh; khoảng cách giữa các trụ là 2,5 m. Sau khi thu hoạch, để chuẩn bị cho vụ mới, vào tháng 5, thực hiện cắt bỏ những cành già không còn khả năng mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ để 1 - 3 quả để quả to và bảo đảm chất lượng. Chủ yếu sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây từ 3 - 4 lần/năm; tận dụng rơm, rạ để giữ ẩm cho gốc cây sau khi trồng. Từ năm thứ 3 trở đi, cây cho năng suất cao, ổn định, trọng lượng mỗi quả thanh long từ 0,3 - 0,5 kg. Ngoài ra, nhiều hộ còn áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra quả trái vụ bằng cách thắp đèn điện vào ban đêm để kích thích hoa nở trái vụ, quả nhanh chín, giúp tăng năng suất, chất lượng. Cây thanh long ruột đỏ ở bản Đông cho quả muộn hơn các địa phương khác khoảng một tháng, thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 10, giá bán ổn định từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Thời gian cho thu hoạch quả kéo dài; khoảng 25 - 30 ngày thu hoạch một đợt. Khi quả chín có thể lưu được trên cây khoảng 15 ngày, sau khi thu hoạch để được từ 10 - 20 ngày, nên thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Quả thanh long được bà con mang ra các sạp bán cho khách hàng hoặc cung ứng cho các cửa hàng bán hoa quả, nhà hàng trên địa bàn huyện.
Thực tế cho thấy, thanh long ruột đỏ là loại cây trồng phù hợp với đồng đất bản Đông, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Các hộ trồng thanh long ở bản Đông mong muốn sớm thành lập hợp tác xã sản xuất thanh long an toàn; được các cấp, các ngành kiểm nghiệm, chứng nhận VietGAP để quả thanh long của người dân bản Đông bán ra thị trường có tem nhãn chứng nhận nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, khẳng định được thương hiệu sản phẩm trên thị trường, giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!