Chúng tôi vừa về xã Mường Do, nơi có diện tích chanh leo nhiều nhất huyện Phù Yên. Hợp đất, hợp khí hậu, cây chanh leo trên đất Mường Do phát triển tốt, năng suất cao, đem lại nguồn thu ổn định, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá.
Người dân bản Tường Han, xã Mường Do (Phù Yên) chăm sóc vườn chanh leo.
Sau gần 3 năm “nhập cư” về xã Mường Do, cây chanh leo đã khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác và trở thành cây trồng chủ lực của xã. Từ 30 ha trồng thử nghiệm năm 2017 do huyện hỗ trợ 100% tiền giống và một phần chi phí mua cọc dựng giàn, đến nay, toàn xã đã có 120 ha cây chanh leo, trong đó 80 ha đã cho thu hoạch. Riêng năm 2019, bà con tiếp tục đầu tư trồng mới khoảng 40 ha. Trao đổi với chúng tôi về việc trồng cây chanh leo, ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do chia sẻ: Cây chanh leo có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, sau 6 tháng trồng đã cho thu hoạch quả, giúp người dân nhanh thu hồi được vốn đầu tư; chỉ trồng một lần nhưng thu hoạch liên tục trong vòng 3 - 4 năm. Được các cơ quan chuyên môn của huyện, Công ty cổ phần NaFoods Tây Bắc chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, nên cây chanh leo trên địa bàn xã phát triển tốt. Riêng lứa thu hoạch đầu tiên của mùa vụ năm nay, toàn xã đã thu trên 60 tấn quả, trị giá gần 500 triệu đồng.
Tường Han là bản trồng nhiều chanh leo ở xã Mường Do. Ông Lường Văn Sáng, Bí thư Chi bộ bản Tường Han, chia sẻ: Toàn bản hiện có gần 70 hộ trồng trên 55 ha cây chanh leo, trong đó 10 ha mới trồng năm nay. Những ngày đầu thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong bản chỉ có một vài hộ tham gia mô hình trồng chanh leo thử nghiệm, chủ yếu vẫn trồng xen với cây ngô. Sau đó, nhận thấy hiệu quả kinh tế, bà con đã chuyển diện tích trồng ngô sang trồng cây chanh leo. Sau gần 3 năm, cây chanh leo gần như đã phủ kín những khu đất trống và đất nương bạc màu của bản. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng trở lên/năm từ trồng chanh leo như các ông: Lường Văn Xính, Hà Văn Điếm, Lường Văn Lâm... Riêng gia đình tôi, từ năm 2017 đến nay, cùng với sự hỗ trợ từ huyện, đã đầu tư khoảng 45 triệu đồng để trồng 1,6 ha chanh leo. Lứa đầu tiên của vụ chanh leo năm nay, gia đình đã thu gần 8 tấn quả, với giá bán khoảng 10 nghìn đồng/kg quả thường, 35 - 40 nghìn đồng/kg quả chất lượng cao (quả chọn để xuất khẩu), có ngày cao điểm, gia đình thu hơn 10 triệu đồng từ chanh leo.
Không chỉ ở Tường Han, không khí thu hoạch chanh leo chính vụ cũng rộn ràng tại các bản vùng cao Suối Han, bản Lầm, bản Do... Quả chanh leo được phân loại, đóng thùng, tập kết để bán cho các tư thương. Tìm hiểu được biết, mặc dù được Công ty Nafoods Tây Bắc bao tiêu sản phẩm, nhưng từ tháng 6 đến nay, mực nước trên lòng hồ sông Đà rút mạnh, bến phà Vạn Yên ngừng hoạt động nên xe tải chở hàng không thể di chuyển được bằng tuyến đường này đến điểm thu mua của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, vì vậy các hộ trồng chanh leo đã bán tại vườn cho lái buôn hoặc chuyển cho tư thương trong huyện và một số tỉnh khác như Phú Thọ, Lạng Sơn. Bên cạnh đó, việc chuyển hàng bằng thuyền cũng gặp khó khăn, do người vận chuyển phải vác hàng đi bộ qua đoạn sông bị cạn nước mới đến được địa điểm có thuyền, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng đến giá bán chanh leo của người dân. Với lý do trên, nên thời điểm này, người dân trong vùng chủ yếu bán đổ buôn tại vườn hoặc bán cho tư thương vận chuyển đến các vùng lân cận với giá bán trung bình từ 8 - 12 nghìn đồng/kg.
Tạm biệt Mường Do khi những chuyến xe chở ăm ắp sản phẩm quả chanh leo vẫn đang ngược xuôi trên tuyến đường đèo dốc. Chúng tôi tin rằng, những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã, cùng sự năng động của bà con nơi đây trong việc chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế, sẽ góp phần làm đổi thay vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!