Những ngày cuối năm, dọc hai bên quốc lộ 37 đi qua các xã vùng Mường của huyện Phù Yên, đâu đâu cũng thấy bà con bày bán cam Vinh, cam đường canh, quýt Thái, cảnh mua bán tấp nập. Vốn được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phù hợp cho việc trồng, phát triển cây ăn quả có múi, nhất là cam, nên diện tích trồng và sản lượng quả tăng dần qua các năm. Để đảm bảo sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, huyện Phù Yên đã chú trọng việc hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường cho loại cây trồng chủ lực này.
Sản phẩm cam VietGAP Phù Yên được trưng bày trong Ngày hội cam được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, được biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, đến nay, toàn huyện có 236 ha cam, tập trung chủ yếu ở 3 xã vùng Mường, gồm: Mường Thải, Mường Cơi, Tân Lang. Cam Phù Yên được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị ngọt đậm, hương thơm tự nhiên, màu quả sáng, vàng đều, mọng nước. Trước đây, việc tiêu thụ cam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường tự do, thông qua tư thương và chợ đầu mối là chính. Tuy nhiên, từ tháng 12/2017, sau khi sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và có sức hút mạnh đối với người tiêu dùng. Để bảo đảm sản phẩm có chỗ đứng bền vững trên thị trường, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân phát triển sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức các lớp tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn thành viên hợp tác xã và các nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP. Sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, thực hiện việc ghi chép, theo dõi đầy đủ, đảm bảo sức khỏe cho chính người sản xuất và người tiêu dùng. Sản phẩm sau thu hái phải được sơ chế, đóng gói bao bì, tem nhãn giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Thành lập và đi vào hoạt động năm 2016, với 8 thành viên, số vốn điều lệ ban đầu khoảng 6 tỷ đồng, đến nay, hơn 17 ha cam của Hợp tác xã trồng cam Văn Yên, xã Mường Thải đều được sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Hợp tác xã, thông tin: Áp dụng quy trình này, các nông dân sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng gây hại, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh để chăm bón, do đó toàn bộ diện tích đều sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm có mẫu mã đẹp, năng suất cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống. Trung bình mỗi ha trồng cam cho thu hoạch hơn 25 tấn, trừ chi phí, hợp tác xã thu lãi gần 400 triệu đồng/ha.
Không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn, vận động bà con tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thâm canh cây cam, huyện còn đẩy mạnh việc tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn vườn cam, nhất là trong thời điểm thu hoạch. Hỗ trợ các hợp tác xã in nhãn mác, mua bao bì đóng gói sản phẩm, tiêu thụ trong năm đầu tiên có sản phẩm; tổ chức cho bà con đi thăm quan mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng sản xuất tự phát, bị động dẫn đến tồn đọng hoặc thiếu sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Ngân chia sẻ thêm: Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh, hợp tác xã đang tích cực mở rộng thị trường, từng bước liên kết với một số doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản sạch tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Gần đây nhất, HTX đã ký hợp đồng nguyên tắc bán hàng, tổ chức trưng bày và bán sản phẩm cam tại chuỗi cửa hàng Bác Tôm, thuộc Công ty TNHH Hòn Đất (Hà Nội). Tham gia trưng bày và bán sản phẩm, Hợp tác xã được Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ 100% chi phí gian hàng bày hàng, chi phí thuê kho bảo quản và toàn bộ chi phí vận chuyển. Tổng khối lượng bán ra trong ngày đạt gần 1 tấn, với giá 35 nghìn đồng/kg, hợp tác xã thu về gần 35 triệu đồng. Tuy doanh số bán ra chưa lớn, nhưng đã góp phần xây dựng thương hiệu, bước đầu giúp HTX có thị trường tiêu thụ ổn định hơn, giúp người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện, cùng tâm huyết của những hộ nông dân, hợp tác xã, sản phẩm cam Phù Yên ngày càng được nhiều người biết đến và ngày càng khẳng định được thương hiệu. Tin rằng, trong thời gian tới, sản phẩm cam Phù Yên sẽ vươn xa tới nhiều thị trường, giúp người nông dân Phù Yên vươn lên làm giàu.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!