Cách làm du lịch của bản Chiếu

Cách trung tâm xã Mường Thải (Phù Yên) hơn 7 km, bản Chiếu có 139 hộ đồng bào Mường sinh sống. Những năm gần đây, bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, trong bản đang hình thành các dịch vụ tắm khoáng nóng, nuôi cá lồng và thuyền du lịch trên lòng hồ suối Chiếu. Những hoạt động này bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.

 

Lòng hồ thủy lợi suối Chiếu - tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

 

Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông kiên cố uốn lượn quanh bản, dọc ven hồ suối Chiếu là những ngôi nhà sàn khang trang còn nguyên màu sơn mới, như tô điểm thêm nét đẹp văn hóa đặc trưng nơi đây, ông Đỗ Hồng Tốt, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải, thông tin: Tháng 6/2012, công trình thủy lợi hồ Suối Chiếu được hoàn thành đưa vào sử dụng, với tổng diện tích mặt hồ trên 31 ha. Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu thì hồ thủy lợi suối Chiếu còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái vãn cảnh  bằng thuyền trên lòng hồ, phát triển nghề nuôi cá lồng tại địa phương. Cùng với đó, trên địa bàn còn có nguồn suối khoáng nóng tự nhiên, là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển dịch vụ tắm khoáng nóng, gắn với dịch vụ ăn uống. Tháng 8/2012, UBND huyện Phù Yên triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ Suối Chiếu. Ban đầu, huyện hỗ trợ bà con về giống, vốn và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng và trị bệnh cho cá. Sau 5 năm triển khai, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhờ khai thác hợp lý lợi thế diện tích mặt nước nên số lượng lồng nuôi và sản lượng cá nuôi của bản ngày càng tăng, với 10 lồng cá được huyện hỗ trợ ban đầu, đến nay các hộ đã mở rộng lên 17 lồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trong bản...

Đến thăm gia đình ông Mùi Hải Quân, một trong những hộ nuôi cá lồng ở bản Chiếu, ông Quân cho biết: Nguồn nước lòng hồ suối Chiếu rất trong và sạch, phù hợp phát triển nuôi cá lồng. Hiện, gia đình tôi đang nuôi chủ yếu cá trắm, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như: Lá chuối, ngô, sắn, cỏ voi để làm thức ăn nuôi cá. Lúc thả cá cỡ 4 con/kg, sau 1 năm thu hoạch nhiều con đạt trọng lượng từ 1,8-2 kg. Do gia đình có làm thêm dịch vụ ăn uống nên không phải lo đầu ra cho sản phẩm, chất lượng cá sau chế biến được các thực khách đánh giá cao. Với 2 lồng cá, cho thu nhập mỗi năm hơn 50 triệu đồng.

Với phương châm “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ” những năm qua, ban quản lý bản đã vận động nhân dân góp công, góp của để bê tông hóa 370 m đường ven bờ hồ suối Chiếu. Đường đi thuận lợi, một số hộ dân trong bản đã đầu tư xây dựng khu tắm khoáng nóng kết hợp ăn uống để tăng thu nhập. Đến thăm hộ gia đình ông Hà Văn Chăng, từng là Phó Chủ tịch Thường trực HĐND xã Mường Thải, nghỉ hưu về địa phương, nhận thấy nguồn nước nóng ở bản có nhiệt độ cao, các thành phần khoáng chất tự nhiên trong nước lại có tác dụng chữa trị một số bệnh ngoài da hay thấp khớp, ông đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống phòng tắm nước khoáng nóng. Ông Chăng chia sẻ: Năm 2013, tận dụng nguồn nước mó nóng cách nhà 100 m, tôi đã đầu tư mua đường ống nhựa to, dẫn nước về một bể chứa lớn; xây 12 phòng tắm để mở dịch vụ tắm nước khoáng nóng. Những ngày cuối tuần hay lễ, tết, có hôm gia đình phục vụ đến 8-9 giờ đêm, với hàng chục lượt khách đến tắm, thu về từ 1,5 - 2 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, gia đình tôi còn nhận đặt cơm với các món ăn dân tộc như: Cá nướng, cá xôi, gà nướng, măng rừng để phục vụ nhu cầu của du khách.

Với những tiềm năng, lợi thế trên, bản Chiếu có đầy đủ những “yếu tố cần” để phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng và cũng là địa điểm nghỉ dưỡng, tắm nước khoáng nóng hấp dẫn. Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn rất cần được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân để phát triển bền vững.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới