Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc và Ngày hội cam huyện Phù Yên năm 2018 diễn ra với điểm nhấn là đêm Khai mạc Ngày hội tại Sân Vận động huyện Phù Yên, thu hút đông đảo du khách và người dân đến xem. Đây là lần đầu tiên huyện Phù Yên tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc và Ngày hội cam, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cũng là dịp để quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người và sản vật của huyện Phù Yên, đặc biệt là sản phẩm “Cam Phù Yên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu ngày 4/12/2017.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc tại Ngày hội.
Cùng với những đặc sản địa phương, những mùa lúa trĩu bông trên cách đồng Mường Tấc đã hòa vào truyền thống văn hóa giàu bản sắc dân tộc ở huyện Phù Yên. Tất cả đang tạo cho vùng đất Phù Hoa một bức tranh tổng thể đầy màu sắc với những thanh âm, nhịp điệu sôi động của cuộc sống mới hôm nay. Và bản hòa tấu đó đã được thể hiện sinh động trong Chương trình nghệ thuật “Phù Yên ngày mới ”, một điểm nhấn trong đêm Khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Ngày hội cam huyện Phù Yên năm 2018 với gần 100 diễn viên đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh và khối diễn viên quần chúng huyện Phù Yên đã thể hiện 3 chương, gồm: Chương I: Miền đất huyền thoại; Chương II: Đất mẹ thân thương và Chương III: Phù Yên ngày mới, tái hiện lịch sử vùng đất hơn 500 năm về trước đã được vua Lê Thái Tổ ra chiếu đặt tên là Châu Phù Hoa. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, 7 dân tộc anh em cùng sinh sống đoàn kết, nỗ lực vươn lên, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc, chung sức xây dựng huyện Phù Yên ngày càng phát triển. Kết thúc đêm khai mạc là vòng xòe đoàn kết của đông đảo đại biểu, du khách và nhân dân các dân tộc huyện Phù Yên.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc và Ngày hội cam huyện Phù Yên năm 2018 đã diễn ra trong 2 ngày (17 và 18/11) với các hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc và thể thao hiện đại như: Ném còn, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền nam thu hút đông đảo khán giả đến xem, reo hò và cổ vũ... Đặc biệt, các du khách và người dân còn được trải nghiệm một số trò chơi dân gian như: Đánh đu, bịt mắt đánh trống... tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày hội. Cùng thời gian này, huyện Phù Yên còn tổ chức các gian hàng trưng bày nông sản; thi trang trí trại văn hóa; thi tìm hiểu, giới thiệu kiến thức về cây ăn quả có múi; thi trình diễn trang phục dân tộc; tổ chức cho các đại biểu và du khách tham quan, trải nghiệm vườn cam tại bản Văn Yên, xã Mường Thải.
Từ cây cam, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đến nay, huyện Phù Yên có 500 ha cam, tập trung ở các xã: Mường Thải, Mường Cơi, Tân Lang... Cam Phù Yên ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi vị ngọt sắc và hương thơm đặc trưng... Tại đêm khai mạc, Ban tổ chức đã vinh danh 2 hợp tác xã và 9 hộ gia đình tiên phong trồng cam, góp phần tạo dựng nên thương hiệu “Cam Phù Yên”, đặc sản của vùng đất Phù Hoa. Trong đó, hợp tác xã trồng cây ăn quả bản Nghĩa Hưng (Mường Cơi) được thành lập năm 2018 với tổng diện tích 28,5 ha cây ăn quả có múi như: Cam Vinh, cam đường canh, quýt ngọt, bưởi da xanh, bưởi diễn; sản lượng 100-120 tấn quả/năm; doanh thu đạt 2,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,5 tỷ đồng/năm. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, thay đổi lối sản xuất cũ, Hợp tác xã đã tạo việc làm cho nhiều lao động và khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hợp tác xã trồng cam Văn Yên (Mường Thải), được thành lập năm 2016 với lợi thế về đất đai sẵn có và các điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với sự nhiệt huyết, đam mê và quyết tâm phấn đấu vươn lên. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX có 16 thành viên trồng cam đường canh, cam Vinh, quýt ngọt với diện tích 18 ha. Năm 2017, sản lượng đạt 150 tấn quả, doanh thu 4,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha.
Anh Triệu Văn Mừng, bản Khe Lành (Mường Thải) là người dân tộc Dao và cũng là người tiên phong đi đầu trong phong trào trồng cam tại bản Khe Lành từ năm 2013 với diện tích 1,5 ha, trong đó có 1 ha cam đường canh, 0,5 ha cam Vinh. Đến nay, toàn bộ diện tích cam của gia đình đã cho thu hoạch với sản lượng 20 tấn quả, doanh thu 300 triệu đồng/năm. Với khoản thu nhập hàng năm, gia đình anh Mừng đã vươn lên làm giàu và trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Duy Khanh, bản Nghĩa Hưng (Mường Cơi) trồng 3 ha cam đường canh và quýt ngọt; sản lượng 15 tấn; doanh thu năm 2017 đạt 350 triệu đồng. Ông Khanh hiện là Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng, luôn tích cực vận động người dân trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Tiết mục văn nghệ tại đêm khai mạc tại Ngày hội văn hóa, thể thao và Ngày hội cam.
Ngoài những hộ gia đình và HTX tiêu biểu về trồng và tiêu thụ sản phẩm cam của huyện Phù Yên được vinh danh lần này, vẫn còn rất nhiều hộ gia đình đang nỗ lực từng ngày để ươm lên những mầm xanh cho vùng đất khó. Với sự ghi nhận những nỗ lực của các hộ gia đình trong Khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc và Ngày hội cam huyện Phù Yên năm 2018 sẽ tiếp thêm động lực để các HTX, hộ gia đình thi đua lao động sản xuất, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, đặc biệt để thương hiệu “Cam Phù Yên” sẽ ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc và Ngày hội cam huyện Phù Yên năm 2018 khép lại trong không khí vui tươi, phấn khởi và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và người dân. Đây cũng là dịp quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch và các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương tới du khách cùng người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Qua đó, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sản phẩm cam trên địa bàn huyện.
Thành - Thảo - Thái
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!