Thuận Châu trong hành trình thoát nghèo: Kỳ II: Quyết tâm về đích đúng tiến độ

Trong hành trình thoát nghèo, Thuận Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế tại các xã; giúp nhân dân ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất..., tạo những bước đi bài bản, chắc chắn, với quyết tâm cao thoát nghèo vào năm 2025.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thuận Châu có 29 xã, thị trấn, với tổng số hơn 1.300 hộ dân, thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Mông, La Ha, Sinh Mun cùng chung sống. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/HU ngày 5/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo thực hiện mục tiêu đưa huyện thoát nghèo năm 2025, các chi, đảng bộ cơ sở trong toàn huyện đã quán triệt nội dung Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nắm bắt tinh thần Nghị quyết để thống nhất thực hiện.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Thuận Châu làm việc với Đảng ủy xã Chiềng Pha về lãnh đạo phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Hiện nay, toàn huyện có 16.026 lượt hộ được vay 722 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư phát triển sản xuất.

Trang bị cho nhân dân kiến thức, kỹ thuật sản xuất, cán bộ các cơ quan chuyên môn của huyện đã bám sát từng địa bàn, phối hợp với các xã hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có hàng nghìn lượt lao động được chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Huyện còn tổ chức cho các hộ dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả của các mô hình điển hình trong huyện, trong tỉnh để được “mắt thấy tai nghe”, từ đó tin tưởng và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Riêng 6 xã vùng cao, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 4/3/2021 về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tổ chức triển khai đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các xã, với mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của huyện; giảm dần số xã, bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo đưa nội dung Nghị quyết vào các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo mục tiêu và nhiệm vụ trong Nghị quyết.

Nhân dân xã Chiềng Pha mở rộng diện tích cây ăn quả

Trao đổi về việc hỗ trợ 6 xã vùng cao phát triển kinh tế, ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện, cho hay: Trên cơ sở điều kiện khí hậu, đất đai của các xã, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng. Trong đó, có mô hình trồng cây khôi nhung tại xã Pá Lông, Long Hẹ, quy mô 3 ha. Trồng 3 ha cây gừng trâu, tại xã Long Hẹ. Trồng cây vừng đen, tại bản Căm Cặn, xã Mường Bám, quy mô 3 ha. Mô hình trồng dứa tại bản Cát, bản Nong Vai, xã Co Mạ, với 7 ha và bản Pá Chóng, Nà La, xã Mường Bám 9,5 ha.  Nuôi gà đen Hmông tại xã É Tòng, với 3.000 con. Sản xuất trên 18,5 ha lúa theo hướng hữu cơ tại xã Mường Bám, Long Hẹ, Co Mạ, É Tòng...

Lãnh đạo huyện Thuận Châu khảo sát mô hình trồng dứa tại xã Mường Bám.

Trong hành trình thoát nghèo, huyện Thuận Châu luôn quan tâm hỗ trợ các hộ dân khó khăn về nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở để “an cư lạc nghiệp”. Qua rà soát, trong giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có 1.128 hộ cần được hỗ trợ xây dựng nhà ở (896 hộ làm mới và 232 hộ sửa chữa). Từ các nguồn lực, tính đến trung tuần tháng 4/2023, đã có 95 hộ xây dựng mới và 7 hộ sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí hỗ trợ là 3.110 triệu đồng.

Những tín hiệu lạc quan

 Hiện nay, toàn huyện có 4.302 ha cây ăn quả các loại. Ngoài ra, còn có 5.167 ha sơn tra - cây trồng đa mục tiêu ở các xã vùng cao. 11 chuỗi liên kết sản xuất, với tổng diện tích là 1.017,5 ha; 21 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 6 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 72 ha, gồm các sản phẩm xoài, nhãn, thanh long. 107 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy chế biến nông sản Doveco với diện tích là 103,8 ha. Có 11 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ. Các sản phẩm thanh long, chanh leo, chè... đã xuất khẩu sang các thị trường Nga, Đài Loan, Trung Quốc... 

Diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu.
Ảnh: Trung Hiếu

Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện, phấn khởi: Huyện đã triển khai chuẩn hóa sản phẩm OCOP đối với sản phẩm Coffee Arabica Minh Trí; Thịt hun khói Tông Cọ; Mật ong Phổng Lái Thuận Châu. Đến nay, toàn huyện có 5 sản phẩm nông nghiệp được cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, đó là cà phê Sơn La, Chè Phỏng Lái, Khoai sọ Thuận Châu, Sơn tra Sơn La, Cá sông Đà. Có 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm sản phẩm du lịch điểm du lịch Pha Đin Top; Trà Olong Thu Đan; Cá rô phi lê sông Đà; Cá trắm hun khói Chiềng La; Chè Trọng Nguyên.

Thành viên HTX bản Bon, xã Mường Khiêng chăm sóc xoài xuất khẩu

Năm 2002, HTX bản Bon, xã Mường Khiêng là đơn vị đầu tiên trong huyện tổ chức xuất khẩu sản phẩm quả xoài sang Trung Quốc. Ông Cà Văn Yên, Giám đốc HTX bản Bon không giấu niềm vui: Năm 2019, hơn 17/65 ha xoài Đài Loan của HTX bản Bon được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn của huyện và HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn (huyện Mai Sơn) hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tỉa hoa, bọc quả bằng túi giấy sinh học, nên cây xoài phát triển tốt, sản lượng vụ xoài năm 2022 của HTX đạt 100 tấn, trong đó xuất khẩu gần 70 tấn sang thị trường Trung Quốc, mang lại nguồn thu không nhỏ cho thành viên. Vụ năm nay, chúng tôi tiếp tục chăm sóc diện tích xoài theo hướng nông sản sạch để xuất khẩu. 

Ngành chăn nuôi đã và đang được nhân dân trong huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Ở các xã vùng cao, nhân dân mở rộng diện tích trồng cỏ lấy thức ăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng. Hiện nay, toàn huyện có trên 90.000 con gia súc, gia cầm các loại. Ngoài ra, khai thác lợi thế về 411 ha mặt nước mặt nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La và diện tích ao, hồ, nhân dân các xã đã phát triển nuôi thủy sản, sản lượng nuôi và khai thác đạt 750 tấn cá các loại/năm.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng của nhân dân xã Tông Cọ

Cùng với phát triển mạnh ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, Thuận Châu cũng đang khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch. Nói về việc này, đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết thêm: Huyện ủy đang chỉ đạo việc tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư và phát triển du lịch Đèo Phạ Đin. Đầu tư các điểm du lịch cộng đồng tại các xã Mường É, Phổng Lái, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tăng cường các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh liên kết với các huyện lân cận trong việc hình thành các tour, tuyến du lịch, nâng cao sức hấp dẫn, thu hút  khách du lịch.

Quyết tâm, nỗ lực cao

Về Thuận Châu hôm nay, điều dễ nhận thấy là sự thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Đó là việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ.

Trụ sở xã Mường Bám, huyện Thuận Châu được đầu tư xây dựng khang trang.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thông qua nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cơ sở hạ tầng, đến nay, 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã đã được cứng hóa; 276/355 đường nội bản được đổ bê tông. Hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, bảo đảm cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trụ sở làm việc, trạm y tế và trường học trên địa bàn các xã đều đã được đầu tư xây dựng khang trang, tạo diện mạo nông thôn mới ở các địa phương trong huyện. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn gần 31% (giảm 6,1% so năm 2021); hộ cận nghèo còn 16,2% (giảm trên 1,7% so năm 2021). Có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 41/83 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 27/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học và THCS Muổi Nọi, xã Muổi Nọi.

Tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, Huyện ủy đang chỉ đạo thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án chính sách giảm nghèo theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, cân đối, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách huyện; vận động nhân dân đóng góp hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trên địa bàn.

Đồng chí Bí Thư Huyện ủy Thuận Châu kiểm tra mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại xã Tông Lạnh

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, chia sẻ: Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện giai đoạn 2021-2025; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo theo phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả". Dù biết hành trình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt của Trung ương, của tỉnh, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng chung sức của nhân dân, công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện sẽ đạt kết quả cao.

Với những bước đi bài bản, chắc chắn, cùng những kết quả đã đạt được trong hành trình thoát nghèo, sẽ là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Châu tự tin, vững bước về đích đúng tiến độ mà Nghị quyết số 18-NQ/HU đã đề ra.

Hồng Luận - Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới