Thiêng liêng hai tiếng Trường Sa • Kỳ 2: Hải trình không thể quên

Trong hải trình 18 ngày, Đoàn công tác của chúng tôi đã đến thăm các đảo An Bang, Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa. Mỗi nơi đến thăm, đều để lại những cảm xúc không thể quên về tình cảm quân – dân; về ý chí, quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc của những người lính hải quân, của nhân dân trên đảo... Thêm tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam!

Đảo An Bang, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Sóng dữ đảo An Bang

Sau hơn 48 giờ đồng hồ rời quân cảng Cam Ranh, tàu 561 đến đảo An Bang - điểm dừng chân đầu tiên trong hải trình. Tàu neo lại cách đảo An Bang khoảng 1 hải lý. Những người lính hải quân cho biết, ngoài đảo Trường Sa có mực nước sâu, tàu lớn có thể tiếp cận dễ dàng, còn hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa nằm trên thềm san hô, nên muốn vào đảo phải đi xuồng do mực nước thấp.

Trước khi rời tàu lớn lên xuồng để vào đảo, cán bộ, chiến sĩ trên tàu hướng dẫn cả đoàn tuyệt đối tuân thủ đúng hướng dẫn, tránh nguy cơ sóng biển vỗ mạnh gây lật xuồng; nhiều tai nạn có thể xảy ra trong quá trình cơ động vào đảo. Trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, An Bang là đảo khó tiếp cận nhất.

Đảo An Bang được ví như một cây nấm giữa biển khơi do có cấu trúc dựng đứng và được bao quanh bởi tường sóng cao từ 2m trở lên. Cùng với thềm san hô của đảo rất hẹp, cách đảo khoảng 1 hải lý, độ sâu tới đáy biển có thể lên đến cả nghìn mét. Sóng ở An Bang dồn ra xa bờ, rồi vỗ tứ phía, dồn dập vào đảo cả 4 mùa trong năm. Phía bờ Tây của đảo có một bãi cát dài, hẹp, còn bờ phía Nam của đảo có bãi cát thường thay đổi theo mùa. Khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 được bồi thêm trở thành một bãi cát dài; đến tháng 8, bãi cát dịch chuyển sang bờ Đông của đảo và theo chu kỳ một năm, bãi cát này lại trở về vị trí cũ.

Các chuyến xuồng vận chuyển Đoàn công tác vào đảo An Bang.

Đại úy Phạm Văn An, Thuyền trưởng tàu 561, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, chia sẻ: Vào được An Bang, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ năng để tính toán sóng, hướng gió, dòng chảy của thủy triều, mới ra được phương án tốt nhất để đưa đoàn công tác vào đảo. Đầu tiên phải tính được khoảng cách giữa tàu và sóng, tiếp theo căn cứ vào hướng gió để tàu lớn di chuyển hợp lý, che gió cho các xuồng, hạn chế sóng biển đánh vào xuồng nhỏ.

Dựa vào kinh nghiệm đi biển làm nhiệm vụ nhiều năm của bản thân, anh An cho rằng, việc tàu tiếp cận đảo ở vị trí quá xa sẽ bị trôi, giảm hiệu quả che gió; còn quá gần, sóng sẽ đánh tàu vào gần bãi đá ngầm. Đối với các xuồng cũng phải lựa theo thời tiết, sóng và gió mới di chuyển được vào trong đảo. Nhiều đợt sóng dữ, các đoàn công tác, chỉ huy các cấp của Vùng 4 Hải quân cũng không thể vào được đảo. Từ đó, đảo An Bang đã thành lập lực lượng kéo xuồng được huấn luyện đặc biệt, gọi là Đội “Cảm tử An Bang”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp.

Chiến sĩ trên xuồng CQ thực hiện việc quăng dây mồi vào đảo.

Trên chuyến xuồng vào đảo An Bang, Thiếu tá, Quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Khánh, Đội hàng hải số 1, Tàu 561, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, cho hay: Sau khi nhận được lệnh xuất phát từ chỉ huy tàu vào đảo, căn cứ vào tình hình sóng, chiều gió, tôi sẽ đưa ra quyết định lựa chọn con nước nào hợp lý nhất để xuồng di chuyển qua. Điểm quan trọng nhất khi vào An Bang là phải đi thật chậm, có sự liên lạc, phối hợp chặt chẽ với tàu lớn và đồng đội trên xuồng chuyển tải, lựa chọn thời điểm quăng dây mồi vào trong đảo để đồng đội phối hợp kéo dây. Đối với lực lượng trên đảo, việc bắt được dây kéo cũng quan trọng không kém, nếu bắt trượt xuồng sẽ trôi dạt ra xa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị sóng vỗ, gây nguy hiểm cho người trên xuồng.

Vào đến đảo, Trưởng đoàn công tác thông báo, phóng viên chỉ có hơn 1 giờ đồng hồ để thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và tác nghiệp trên đảo. Vì vậy, chúng tôi nhanh chóng tác nghiệp và kịp thời rút ra trước khi những con sóng lớn ập đến.

"Đội cảm tử An Bang" kéo xuồng chở Đoàn công tác vào đảo.

Sóng lớn ở An Bang quả thật là trở ngại lớn cho Đoàn công tác cả khi vào đảo và khi quay trở lại tàu. Do ảnh hưởng của bãi cát, xuồng không thể nổ máy nên việc quay trở lại tàu buộc phải dùng sức người đẩy từng nhịp ra biển. Đồng thời, phải chọn thời điểm quay lại tàu thật chính xác trước khi những con sóng dữ tiếp tục ập vào. Có mặt ở đảo An Bang trong khoảng thời gian không dài, nhưng tôi đã phần nào cảm nhận được sóng dữ nơi đại dương, cùng sự can trường của những người lính hải quân không ngại gian nan, kiên cường giữ đảo.

Những “anh lính đặc biệt” ở đảo Đá Đông

Rời đảo An Bang, sau hơn 7 giờ đồng hồ, Tàu 561 đã đến đảo Đá Đông. Hiện ra trước mắt chúng tôi là khoảng nước biển màu xanh biếc tách biệt với phần nước biển khác. Nhìn từ phía xa, phần nước bao quanh đảo Đá Đông cùng với thềm san hô tạo hiệu ứng thị giác như một viên ngọc nằm giữa biển khơi. 

Một góc nhà nổi tại điểm đảo Đá Đông B.

Do xung quanh đảo đều ngập nước, nên Quân chủng Hải quân bố trí vị trí xây dựng điểm đảo, phục vụ việc canh giữ, phòng thủ thuận lợi; việc đi lại của cán bộ, chiến sĩ thường sử dụng xuồng máy. Xuống chiếc xuồng để di chuyển từ Tàu 561 vào đảo Đá Đông, từ phía đảo vọng lại, có thể nghe rất rõ tiếng sủa của những chú chó được nuôi ở Đá Đông- những "anh lính đặc biệt" đang góp sức cùng những chiến sĩ hải quân nơi đảo xa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thượng úy Phạm Việt Anh, Chỉ huy Trưởng điểm đảo Đá Đông B, cho hay: Do diện tích được giao phụ trách lớn, nên cán bộ, chiến sĩ trên điểm đảo luôn thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu cao và canh gác khu vực đảo. Vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế, nên những chú chó giúp bộ đội phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Những "anh lính đặc biệt" trên đảo Đá Đông.

Bên cạnh đó, những “anh lính đặc biệt” này cũng đóng vai trò là những người bạn của các chiến sĩ hải quân. Trong thời gian ngắn trên đảo, tôi được các chiến sĩ chia sẻ rằng, mỗi người ra đến đảo thực hiện nhiệm vụ đều tự mình nuôi và chăm sóc riêng một chú chó. Ngoài những giờ huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ tại đảo, những "anh lính" này còn giúp các chiến sĩ tìm kiếm một số loại hải sản trên bãi san hô. Nhờ vậy, trong nhiều đợt nước rút, bộ đội được cải thiện thêm bữa ăn từ biển.

Chiến sĩ điểm đảo Đá Đông B chăm sóc cây xanh.

Trong chuyến công tác lần này, Trung úy Nguyễn Minh Thắng, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, được quay trở lại đảo Đá Đông sau vài năm xa cách. Sau khi trò chuyện, động viên cán bộ, chiến sĩ nơi đây, anh không quên đi tìm "người bạn" của mình. Chú chó vẫn chưa quên chủ cũ, ngoáy tít đuôi, chồm lên người anh, mừng rỡ. Ánh mắt đỏ hoe, cùng cái ôm thật chặt của anh dành cho chú chó đã nói lên tình cảm của anh dành cho "người bạn" đặc biệt này.

Ở nơi đảo xa, chúng tôi không chỉ cảm nhận tinh thần đồng đội, ý chí bảo vệ biển, đảo quê hương, mà còn được chứng kiến những tình cảm, "tình bạn" thật đặc biệt và trân quý.

Giông tố ở Đá Tây

Đảo Đá Tây là điểm đến tiếp theo của hải trình. Sau nhiều ngày trên biển được thời tiết ủng hộ, khi đến đảo Đá Tây, chúng tôi gặp trở ngại trong việc di chuyển từ Tàu 561 vào các điểm đảo, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc vào trung tuần tháng 1. Trên biển xuất hiện nhiều cơn giông, cường độ gió thường xuyên ở cấp 6, cấp 7, biển động mạnh, để tới được đảo phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thời tiết.

Cơn giông trên biển ập đến khu vực ngọn hải đăng Đá Tây B.

Sau 1 ngày thả neo trong khu vực lòng hồ tránh bão của đảo Đá Tây, theo dõi, đánh giá tình hình thời tiết để đưa ra quyết định chuẩn xác nhất, Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng Đoàn công tác đưa ra quyết định: Chia phóng viên vào mỗi điểm đảo theo từng tốp 15-20 người. Các đồng chí cần đẩy nhanh tiến độ tác nghiệp, hoàn thành mọi công việc thật khẩn trương, nhanh, gọn, để khi có lệnh rời đảo tất cả phải sẵn sàng để tránh cơn giông có thể ập đến bất kể lúc nào. Còn đối với điểm Đá Tây A, nếu thời tiết ủng hộ, 100% phóng viên sẽ được vào đảo tác nghiệp.

Khoảng 1 giờ chiều hôm đó, chúng tôi lên chuyến xuồng thứ nhất vào điểm đảo Đá Tây B. Ngồi trên xuồng, dập dềnh giữa những con sóng lớn, là thanh niên mà tôi còn cảm thấy chóng mặt, nôn nao, càng thấy cảm phục sự can trường, mạnh mẽ của các chiến sĩ hải quân giữa biển khơi muôn trùng sóng gió.

Vào đến đảo, Thiếu tá Trần An Tuấn, Chính trị viên điểm đảo Đá Tây B, chia sẻ: Sóng hôm nay mới ở mức bình thường, vào mùa mưa bão, những con sóng trên biển có thể cao bằng tòa nhà 4 tầng từ 7-9m. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện các nhiệm vụ bất chấp thời tiết bất lợi. Đồng thời, thường xuyên trực đài tín hiệu, kịp thời hướng dẫn ngư dân đánh bắt cá ở khu vực gần đảo thuận lợi tránh trú, bão.

Xuồng CQ tàu 561 chờ Đoàn công tác làm việc tại điểm đảo Đá Tây B

Sau khoảng 3 ngày thời tiết xấu, biển yên bình trở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi tiếp cận điểm đảo Đá Tây A. Trên chiếc xuồng tới đảo, Trung tá Nguyễn Văn Tân, nhân viên Quân y Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, tâm sự: Cách đây 7-10 năm, khi tôi còn làm quân y ở Đá Tây, hòn đảo này chỉ có một vài cây xanh. Bây giờ, mỗi lần quay trở lại đảo, tôi đều cảm thấy Đá Tây vừa quen, vừa lạ, bởi nhiều rặng cây phi lao đã được trồng lên. Bên cạnh đó, nhiều công trình trên đảo được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần tạo cảnh quan đẹp cho đảo.

Các tàu cá của ngư dân neo tại khu vực âu tàu đảo Đá Tây A.

Sau khi vào đến âu tàu, anh Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo Đá Tây, niềm nở: Thường thì nhắc đến quần đảo Trường Sa, ai cũng nghĩ về cây bàng vuông hay cây phong ba làm đặc trưng. Riêng với đảo Đá Tây, gió biển thường xuyên ở cấp 6 trở lên, mặc dù trước đây cũng trồng thử nhưng cây thường gãy, đổ, do sức gió lớn. Từ năm 2019, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Vùng 4 đã đưa cây phi lao vào trồng, nhờ chịu gió tốt nên cây trụ được nơi đây. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo mở rộng việc trồng cây phi lao. Từ đó, phi lao trở thành loại cây đặc trưng và riêng có của đảo Đá Tây.

Hỗ trợ ngư dân vận chuyển đá cấp đông tại Trung tâm hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A.

Với vị trí thuận lợi cho việc tránh, trú bão và nằm giữa nhiều tuyến đánh cá thuận lợi, những chiến sĩ hải quân có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, tiếp nhận thông tin gặp nạn của ngư dân để đưa ra chỉ dẫn đến khu vực an toàn. Bên cạnh đó, đảo còn được Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập Trung tâm Hậu cần nghề cá, giúp ngư dân thuận lợi mua, bán cá, tiếp nước ngọt và dầu diesel. Hỗ trợ ngư dân các địa phương yên tâm vươn khơi bám biển, thời gian mỗi chuyến đi biển được đảm bảo hơn trước.

Cột mốc chủ quyền tại điểm đảo Đá Tây A.

Sau 12 ngày, hành trình đến các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của chúng tôi đã hoàn thành 3/4 chặng đường. Chúng tôi, những người sống trên đất liền, chưa quen với sóng, gió, luôn nhận được tình cảm chân thành, sự hỗ trợ hết mình của những người lính nơi đảo xa, giúp chúng tôi có thêm sức mạnh, tự tin vượt sóng to, gió cả, chạm đích đến Trường Sa.

(Còn tiếp)

Ký sự: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới