Thiêng liêng hai tiếng Trường Sa: Kỳ 1: Sẵn sàng vượt sóng ra khơi

Những ngày đầu năm 2024, tôi may mắn được cùng 92 phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, tham gia chuyến công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thăm, chúc Tết, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, cảm nhận sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước dành cho vùng biển đảo- phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Cầu cảng tại quân cảng Cam Ranh trước ngày lên đường.

Mang tình cảm đất liền ra với đảo

Hải trình từ quân cảng Cam Ranh đến các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và quay trở về đất liền dài khoảng 820-850 hải lý, dự kiến kéo dài 18 ngày, ngoài nhu yếu phẩm phục vụ cán bộ, chiến sĩ và các nhà báo trên tàu, nhu yếu phẩm cung cấp cho các điểm đảo cũng được chuẩn bị chu đáo về mọi phương diện. Do trùng với thời điểm Tết Dương lịch 2024, nên không khí chuẩn bị các điều kiện cho ngày khởi hành tại cầu cảng diễn ra tấp nập. 

Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, cho biết: Thời gian khởi hành đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được ấn định vào chiều ngày 3/1/2024. Tình hình sóng, gió trên các điểm đảo như An Bang, Đá Đông, Song Tử Tây… có nhiều diễn biến phức tạp, khả năng đưa các nhà báo từ tàu lớn vào các điểm đảo rất khó khăn. Do đó, Lữ đoàn chủ động đề xuất, tham mưu với Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp khẩn trương sắp xếp nhu yếu phẩm, đồ đạc lên tàu trước thời điểm ra khơi ít nhất 3 ngày. Từ đó, sớm ổn định các phòng ở cho cán bộ, chiến sĩ và các nhà báo thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, kiểm tra, thống kê, đánh giá lượng hàng mang theo, kịp thời bổ sung nếu có thiếu sót.

Chăm sóc đàn lợn làm thực phẩm cung cấp cho các đảo đón Tết.

Trong chuyến công tác lần này, Vùng 4 Hải quân tổ chức 4 đoàn đến Trường Sa mang quà Tết của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và tỉnh Khánh Hòa gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Dịp tết, nên trong mỗi chuyến tàu ra đảo không thể thiếu lá dong gói bánh chưng, đỗ, gạo nếp, cây quất và cây mai… Tình cảm từ đất liền còn được nhân dân cả nước gửi đến Trường Sa thông qua nhiều loại đặc sản vùng, miền, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân yên tâm bám đảo.

Thượng úy Phạm Việt Mỹ, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, tâm sự: Được phân công nhiệm vụ bốc, xếp hàng hóa lên các chuyến tàu đến Trường Sa trong dịp này, tôi cùng với các đồng đội cố gắng bố trí các khu vực hàng hóa thật hợp lý. Từ đó, mỗi khoang chứa có thể mang tối đa hàng hóa, nhu yếu phẩm gửi đến Trường Sa. Trong đợt này, Hiệp hội Hoa Đà Lạt gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa nhiều hoa tươi, bởi vậy, tôi đã lựa chọn vị trí phù hợp bảo quản hoa được tươi nhất, gửi đến các điểm đảo.

Chiến sĩ vận chuyển hàng hóa lên các tàu.

Còn Trung úy Hà Thanh Dương, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, chia sẻ: Mỗi lần tham gia chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm chuyển tới Trường Sa, nhất là vật nuôi còn sống như gà, lợn, ngoài việc bảo đảm vệ sinh cho khu vực phía đuôi của tàu, các thành viên trong Tổ phục vụ còn bảo đảm vật nuôi có sức khỏe tốt trước khi bàn giao cho các đảo. Những con vật này rất phổ biến, dễ dàng mua được ở đất liền, nhưng đối với bộ đội, nhân dân nơi đảo xa, đây là những món quà quý, là tình cảm của đất liền gửi gắm để cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa đón Tết đủ đầy hơn.

Cầu nối giữa đất liền và đảo xa

Trước giờ khởi hành, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ Xuất quân trang trọng, nhanh, gọn; giao nhiệm vụ và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Đoàn công tác. Sau 3 hồi còi chào đất liền, những chuyến tàu theo hai hướng phía Bắc và phía Nam của quần đảo Trường Sa cùng rời Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, mang theo tình cảm, hơi ấm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa thân yêu. Tham gia đoàn công tác lần này, phóng viên Báo Sơn La được biên chế theo tàu Quân y 561 đến với các đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa, gồm: Trường Sa, Đá Đông, Đá Tây và An Bang.

Tàu 561 - một trong những tàu thực hiện nhiệm vụ chúc Tết trên quần đảo Trường Sa.

Hải trình kéo dài 18 ngày trong mùa gió trướng, biển động, thật không dễ dàng gì với những phóng viên miền núi như chúng tôi. Biết vậy, nên những chiến sĩ hải quân hướng dẫn chúng tôi rất kỹ các quy định, nguyên tắc bảo đảm an toàn khi đến với các điểm đảo. Theo thông tin được Vùng 4 Hải quân cung cấp, các tàu 561 và 571 ngoài làm nhiệm vụ thường xuyên cứu hộ, cứu nạn cán bộ, chiến sĩ hải quân và ngư dân trên biển, hai kíp tàu này còn đóng vai trò là cầu nối đất liền và đảo xa, đảm nhận nhiệm vụ vận tải hàng hóa, đưa các đoàn công tác từ đất liền đến Trường Sa.

Đại úy Hồng Long, Chính trị viên tàu 561, cho hay: Mỗi năm, tàu 561 thực hiện 4-5 chuyến đi, chở các Đoàn công tác của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, còn đảm nhiệm việc tiếp tế lương thực, thực phẩm khô, đồ hộp hàng đông lạnh định kỳ cho các đảo, nhà giàn và tàu trực sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức khám sức khỏe, cấp cứu, điều trị cho cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hoạt động trên biển, đảo và vận chuyển vào đất liền. Trong năm 2023, tàu 561 tiến hành cấp cứu tàu gặp nạn trên biển, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho gần 40 ngư dân, tàu cá; vận chuyển 10 ngư dân bị thương vào đất liền.

Tàu 571 thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước, các đội tàu 561, 571 cùng các đội tàu vận tải thuộc Vùng 4 Hải quân làm tốt vai trò cầu nối giữa đất liền với đảo xa; đưa ra đảo xa các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày. Mỗi chuyến ra khơi, lượng hàng hóa có thể chở tối đa trên 1.000 tấn. 

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân chuyển nhu yếu phẩm lên tàu 561 và 571.

Là một trong những quân nhân có nhiều chuyến đi tới các điểm đảo, Thiếu tá Thái Quang Hóa, Trưởng tàu 561, chia sẻ: Duy nhất đảo Trường Sa, tàu lớn có thể tiếp cận được cầu cảng ngay, nên việc bốc, xếp hàng thuận lợi, còn các điểm đảo khác phải thực hiện qua khâu xếp hàng vào xuồng để vận chuyển vào đảo. Vì vậy, việc kiểm tra các tay cần cẩu, xuồng máy… phải bảo đảm ở trạng thái hoạt động tốt nhất trước khi hạ thủy, đưa hàng vào đảo, đảm bảo an toàn. 

Tình quân - dân trên biển

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân lên tàu thực hiện nhiệm vụ chúc tết tại quần đảo Trường Sa.

Trong câu chuyện với Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, người có nhiều năm gắn bó với quần đảo Trường Sa, được biết, những chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ tại các điểm đảo trong thời điểm đất nước còn muôn vàn khó khăn, điều kiện sinh hoạt hằng ngày phải có sự hỗ trợ từ đất liền; việc tích trữ và sử dụng nước ngọt cũng hết sức tiết kiệm, nhưng các anh vẫn luôn vững chí, bền lòng, nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ chúc Tết quần đảo Trường Sa chào cảng ra khơi thực hiện nhiệm vụ. 

Còn chiến sĩ trẻ Nguyễn Đức Huy, lần đầu tiên tham gia chuyến công tác mang hàng hóa, nhu yếu phẩm ra quần đảo Trường Sa, bùi ngùi: Đối với tôi, được đến Trường Sa là ước mơ, là mục tiêu phấn đấu trong gần 1 năm huấn luyện tại Hải đội 411, Lữ đoàn 955. Tôi tin rằng, trong hải trình đầu tiên của mình, sẽ học hỏi được nhiều từ những người đồng đội có kinh nghiệm đi biển, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Từ đó, sẽ được tham gia thêm nhiều chuyến công tác nữa đến với Trường Sa.

Câu chuyện của chúng tôi tạm thời ngắt quãng, do chỉ huy tàu thông báo có trường hợp ngư dân tiếp cận tàu xin được tiếp tế lương thực, thực phẩm. Giữa biển khơi muôn trùng sóng nước, cảm xúc khi gặp được đồng bào của ta vươn khơi bám biển thật đặc biệt. Sau khi được các thuyền viên tàu 561 hướng dẫn tiếp cận mạn trái phía sau của tàu, những cái bắt tay thật chặt cùng những lời hỏi thăm, động viên của các cán bộ, chiến sĩ với ngư dân, thân thiết, gần gũi như người thân lâu ngày gặp lại. Tàu 561 đã hỗ trợ 40 kg gạo cùng các loại dầu ăn, mắm, muối và rau xanh, giúp ngư dân cải thiện bữa ăn trong những ngày đi biển.

Anh Phan Tài, Tàu trưởng tàu cá KH77524TS xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: Tôi đi biển hơn 2 tháng nay. Hiện nay, lương thực mang theo đã sắp hết, thật may mắn gặp được tàu Hải quân ở đây. Trong những ngày đi biển, tàu của chúng tôi thu hoạch được khá nhiều cá, dự kiến sẽ trở về đất liền trong 3-4 tuần nữa.

Chỉ huy tàu 561 chuyển nhu yếu phẩm cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa.

Cuộc gặp diễn ra chưa đầy nửa giờ đồng hồ, nhưng được tận mắt chứng kiến tình cảm mặn mòi giữa quân và dân trên biển, đã mang lại cho tôi cảm xúc thật đặc biệt. Chia tay những ngư dân trên tàu cá KH77524TS, tàu 561 của chúng tôi tiếp tục hải trình; lướt trên những con sóng trập trùng, con tàu đưa chúng tôi đến gần hơn với quần đảo Trường Sa.

 (Còn tiếp)

Ký sự: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi

    Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi

    Nông nghiệp -
    Toàn tỉnh đang có hơn 138.800 con chó, mèo cần được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh dại bùng phát trong mùa nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo.
  • 'Nâng cao chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ

    Nâng cao chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Hằng năm, huấn luyện dân quân tự vệ ở huyện Thuận Châu luôn có sự đổi mới theo hướng thiết thực, chất lượng, bám sát chức năng, nhiệm vụ trên từng địa bàn; nội dung, hình thức phong phú. Qua đó, chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ được nâng lên, góp phần đảm bảo công tác quốc phòng - an ninh tại địa phương.
  • 'Sốp Cộp phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ

    Sốp Cộp phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ

    Kinh tế -
    Với lợi thế là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng dịch vụ, thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
  • 'Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm

    Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm

    Kinh tế -
    Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm 2025 luôn hối hả, với 3 dự án xây dựng nhà máy đang triển khai. Cùng với thu hút đầu tư, các cấp, ngành của tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đang triển khai tại Khu công nghiệp Mai Sơn nhằm sớm đưa các nhà máy vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • 'Đổi thay ở các bản biên giới Mộc Châu

    Đổi thay ở các bản biên giới Mộc Châu

    Nông thôn mới -
    Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm vươn lên thoát nghèo của nhân dân, diện mạo 10 bản biên giới của thị xã Mộc Châu có nhiều khởi sắc; cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no.
  • 'Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

    Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

    Xây dựng Đảng -
    Kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đề xuất các giải pháp tuyên truyền phù hợp, tạo sự đồng thuận, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức điều tra dư luận xã hội liên quan đến việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
  • 'Thoát nghèo từ mô hình trồng cà chua, dâu tây

    Thoát nghèo từ mô hình trồng cà chua, dâu tây

    Gương sáng bản làng -
    Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến bản Pặt, xã Mường Chùm, huyện Mường La. Đây là bản nông thôn mới kiểu mẫu của xã, nơi có nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu là chị Lò Thị Thưa với mô hình trồng dâu tây và cà chua, vừa đem lại thu nhập cao, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.