Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, môi trường, khoáng sản.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong 2 năm 2021-2022, toàn tỉnh phát hiện, xử lý 250 vụ việc vi phạm trong về lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh thanh tra Sở TN&MT, Công an và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Trong đó, cấp tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 71 quyết định xử phạt, nộp ngân sách Nhà nước 11,3 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Hằng năm, Sở rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo không chồng chéo, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc diện thanh, kiểm tra. Quá trình thanh tra, kiểm tra, Sở TN&MT kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến các cơ sở sản xuất, đối tượng thuộc diện thanh tra, kiểm tra, giám sát. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật có chuyển biến tích cực; giảm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất sai mục đích, khai thác khoáng sản trái phép…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực TN&MT còn tồn tại, hạn chế, chủ yếu là cấp xã, như: Việc lập biên bản vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, trình tự và biểu mẫu; nội dung vi phạm hành chính không nêu rõ thời gian, địa điểm, hành vi vi phạm; không điền đầy đủ thông tin nhân thân người vi phạm; một số xã còn để lọt hành vi vi phạm… Tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn lúng túng; việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền giải trình chưa đảm bảo…
Chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, Sở TN&MT tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cán bộ thực thi nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực TN&MT ở tất cả các cấp... Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, Sở TN&MT tổ chức hàng chục hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho lãnh đạo Ban quản lý dự án, Phòng TN&MT 12 huyện, thành phố; chủ tịch UBND và công chức địa chính UBND các xã, phường, thị trấn; các doanh nghiệp nông sản, chăn nuôi, khoáng sản, chủ đầu tư các công trình thủy điện về bảo vệ môi trường và các nội dung liên quan đến sử dụng bền vững, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Sở TN&MT cùng vừa tổ chức Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT cho hơn 200 đại biểu về một số vấn đề lưu ý khi áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; một số tồn tại thường gặp trong công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai theo Nghị định số 19/2021/NĐ-CP ngày 12/2/2021 của Chính phủ và trong lĩnh vực môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ; việc xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục xử phạt; xác định hành vi vi phạm, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đồng thời, giải đáp cách xử lý các tình huống đặc thù, như cách thức xử lý vi phạm với hành vi xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất có nguồn gốc nông lâm trường bàn giao về UBND huyện quản lý; xử lý hành vi san tẩy tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp...
Bà Lò Thị Diêng, Chủ tịch UBND xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, cho biết: Cập nhật những quy định mới trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đã giúp chúng tôi nắm rõ hơn về quy trình, cách thức xử lý vi phạm, từ khi phát hiện vi phạm, lập biên bản đến xử lý vi phạm; rất hữu ích để triển khai quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường trên địa bàn xã thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, quyền Chánh thanh tra Sở TN&MT: Những quy định mới được điều chỉnh, góp phần thuận lợi cho lực lượng chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Hiện nay, Chính phủ, Bộ TN&MT đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước… Qua đó, khắc phục các hạn chế còn tồn tại, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc triển khai thực hiện, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên, môi trường cho phát triển KT-XH, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Trước tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân số đông, số lượng doanh nghiệp thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Các cấp, các ngành của tỉnh luôn quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân chấp hành đúng quy định của pháp luật, song cũng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực TN&MT, đảm bảo phát triển bền vững.
Những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực TN&MT
Ngày 6/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định nâng mức xử phạt đối với phần lớn các hành vi để giáo dục, răn đe, phòng ngừa sai phạm.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cũng tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!