Sớm có giải pháp cứu rừng đặc dụng

Nổi tiếng là khu rừng rậm rạp, có nhiều vách núi cheo leo, hiểm trở, rừng đặc dụng Sốp Cộp có đa dạng các loại động, thực vật, nhiều cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng, khu rừng này đang bị lâm tặc ngang nhiên tàn phá, nhiều cây cổ thụ bị “xẻ thịt” không thương tiếc. Phóng viên Báo Sơn La đã vào cuộc điều tra vụ việc này.

Thâm nhập hiện trường

Đường vào khu rừng đặc dụng Sốp Cộp (Ảnh chụp ngày 7/1/2024). 

 Ngày đầu năm 2024, từ nguồn tin của nhân dân cung cấp về tình trạng khai thác gỗ trái phép trong khu rừng đặc dụng Sốp Cộp, chúng tôi đã khẩn trương lên kế hoạch để thâm nhập hiện trường. Tuy nhiên, chúng tôi không dễ dàng để tìm được người dẫn đường. Mặc dù rất bức xúc trước việc rừng bị tàn phá, song phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục, mới có một vài người dân đồng ý đưa chúng tôi đi, phần vì núi rừng hiểm trở, khó đi, phần vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân và gia đình trước cuộc đấu tranh giữ rừng.

2 cây si đá vừa bị hạ (Ảnh chụp ngày 7/1/2024)

 5 giờ sáng ngày 7/1, trời còn tối mịt, sương mù giăng kín lối vào rừng, những người dẫn đường nói với chúng tôi: “Phải đi vào thời điểm này để tránh sự phát hiện của lâm tặc, vì khi có người lạ vào, chúng có thể gây khó dễ cho mình”. Từ quốc lộ 4G, vượt qua cây cầu treo vào bản Pa Tết, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, rồi đi tiếp chỉ khoảng 2 cây số là đến lối vào khu rừng đặc dụng thuộc địa phận của xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp. Vừa giấu xe vào bụi rậm gần đó, người dẫn đường vừa bảo: “Đường khó đi lắm đấy, các anh cẩn thận nhé, sương mù, đường trơn nên rất nguy hiểm, nhớ bám sát theo tôi”.

Ngay bắt đầu lối vào, chúng tôi đã gặp sự cản trở của rừng tre rậm rạp, với nhiều khúc tre nhọn hoắt do người dân chặt để tìm sâu măng chĩa ra ngang đường đi, chỉ một chút bất cẩn là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vượt qua khu rừng tre đã mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Bắt đầu vào khu rừng già, bắt gặp nhiều cây thông, dổi, si đá, thồ lộ, dẻ... với đường kính khoảng từ 1m trở lên, nhiều cây có đường kính ước lên đến hơn 2m, có chiều cao tới 50-60m. Theo người dẫn đường thì khu này chưa bị khai thác vì tiếng máy cưa có thể vọng tới quốc lộ 4G nên dễ bị lộ.

Những “công trường” xẻ gỗ

Những bãi xẻ gỗ nằm dọc khe suối (Ảnh chụp ngày 7/1/2024).

Luồn lách trong khu rừng khoảng 4 giờ đồng hồ, chúng tôi phát hiện một bãi đất bằng, dưới đất được rải một lớp lá cọ để làm mâm, xung quanh còn có mấy khúc gỗ dổi nhỏ để làm ghế, thậm chí còn một số chai, lọ đựng nước và thực phẩm còn vương vãi xung quanh. Xác định đã đến gần khu xẻ gỗ, chúng tôi phân công nhau tìm kiếm. Đúng như nhận định, chỉ mở rộng vị trí khoảng hai chục mét, chúng tôi phát hiện bãi xẻ gỗ đầu tiên. Tại đây, một cây dổi vàng có đường kính hơn 1m đã bị “xẻ thịt”, tại hiện trường chỉ còn lại một số hộp, ván nhỏ và rất nhiều bìa gỗ, còn phần gỗ tốt đã bị vận chuyển đi đâu đó, phần gốc cây vẫn đang rỉ nhựa.

Nhiều khúc, ván gỗ vẫn còn tại hiện trường (Ảnh chụp ngày 7/1/2024).

Tiếp tục tìm kiếm mở rộng, chúng tôi phát hiện gần bãi xẻ đầu tiên chỉ khoảng 30 mét có một “công trường” chế biến gỗ rất lớn nằm dọc ngay khe suối. Gọi là “công trường” chế biến là bởi tại đây, có đầy đủ đồ dùng phục vụ sinh hoạt, nhiều hộp dầu máy cưa, vỏ hộp xích cưa máy, thậm chí có cả thước mét để đo kích cỡ gỗ. Người dẫn đường khẳng định: “Lâm tặc mang thước vào để đo là chúng xẻ gỗ theo đơn đặt hàng rồi”. Nhìn những cây dổi vàng cổ thụ bị “xẻ thịt”, nhiều khúc, hộp, ván gỗ tốt vẫn còn để lại hiện trường, thật xót xa! Ngược lên sát con thác nhỏ của dòng suối, chúng tôi bắt gặp một gốc cây cổ thụ dài chừng 3m, có đường kính chừng 1,5m vẫn chưa bị xẻ, xung quanh còn ngổn ngang những hộp, khúc gỗ khác. Cũng chỉ xung quanh bãi xẻ này khoảng chục mét, chúng tôi còn tìm thêm được 4 cây si đá, 3 cây dổi to khác đã bị đốn hạ, nhưng chưa bị xẻ.

Những khúc gỗ chưa kịp xẻ (Ảnh chụp ngày 7/1/2024).

Sau bữa trưa tạm bợ, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm. Càng vào sâu, việc di chuyển càng khó khăn hơn, nhiều đoạn phải leo ngược vách núi đá trơn trượt. Ngoài những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt, chúng tôi còn bị những cây mây đầy gai sắc nhọn như muốn xé toạc bộ đồ bảo hộ. Vật lộn trong rừng mây khoảng 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi leo lên được một đỉnh núi, khu vực này xuất hiện quần thể cây dổi và cây si đá. Phát hiện nhiều vỏ hộp dầu máy cưa dưới mặt đất, chúng tôi nhận định là bãi xẻ nằm gần đây. Đi dọc đỉnh núi vài mét, một bãi xẻ gỗ dổi lớn nữa hiện ra trước mắt. Ở đây chỉ còn sót lại phần bìa, gốc và một số khúc bị sâu đục nên lâm tặc không khai thác. Chúng tôi đếm được 6 cây dổi, 6 cây si đá đã bị hạ; phần lớn cây dổi đã bị khai thác gần hết, còn những cây si đá chủ yếu lâm tặc chặt khúc và lấy đi phần lõi, nhiều cây vẫn còn nằm trong rừng nhưng chưa bị xẻ.

Dây thước của lâm tặc dùng để đo (Ảnh chụp ngày 7/1/2024).

Gần 5 giờ chiều, sương mù bắt đầu giăng lối, bóng tối ập đến, khu rừng trở nên âm u, đáng sợ hơn rất nhiều. Xác định không kịp quay về huyện, chúng tôi quyết định ngủ lại trong rừng. Tìm được chỗ ngủ trong rừng cũng là điều không hề dễ dàng, chúng tôi phải tìm khu vực có khe suối để có nước dùng. Trò chuyện trong bữa tối, người dẫn đường cho biết: Lâm tặc bây giờ “tinh quái” lắm, bọn chúng đã chuyển hoạt động xẻ và vận chuyển gỗ vào ban đêm rồi. Chúng còn lắp một đầu đoạn ống nước bằng nhựa vào ống xả của máy cưa, đầu còn lại cắm vào can nước làm giảm thanh để tránh bị lộ. Lâm tặc chủ yếu khai thác gỗ thông, dổi và si đá, nhưng gỗ dổi vàng bị khai thác nhiều hơn vì các cơ sở chế tác gỗ ở Sốp Cộp, Sông Mã thu mua tới 22 triệu đồng/1m3 gỗ. Thường thì lâm tặc tìm và hạ những cây to vào tháng 9, để đến cuối năm, cây gỗ se lại sẽ dễ xẻ hơn và chúng bán gỗ lấy tiền ăn tết. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì chỉ vài năm nữa là những cây cổ thụ sẽ bị khai thác hết.

Đây là những gì còn lại của cây dổi (Ảnh chụp ngày 7/1/2024).

Hôm sau, chúng tôi mất cả buổi sáng để quay lại chỗ để xe máy rồi di chuyển sang địa phận của bản Khua Họ, xã Huổi Một, huyện Sông Mã. Sau khi giấu xe máy, chúng tôi tiến vào trong khu rừng đặc dụng Sốp Cộp. Chỉ khoảng 500m, ngay cạnh con suối, chúng tôi đã phát hiện một tấm ván rộng khoảng 30cm, dài 3m, dày 3cm đang dựng vào một gốc cây, ngay phía đối diện bên kia bờ suối là một lán gỗ với nhiều tấm ván mới còn nằm ngổn ngang trong lán. Tiếp tục ngược lên con dốc đứng phía sau lán, tiến sâu vào trong khu rừng. Con dốc cao dựng đứng đến nỗi gót chân người đi trước còn chạm vào mặt người đi sau, nên sau gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được đỉnh dốc. Ở đây, chúng tôi thấy khúc gỗ dổi rộng 40cm, dày gần 10cm, dài khoảng 2m, còn tươi rói, vừa được lâm tặc kéo từ trong rừng ra nhưng chưa kịp tẩu tán. Chắc chắn đây là điểm dừng chân của đội lâm tặc, vì xung quanh có nhiều chai lọ và đống lửa vừa mới sử dụng. Người dẫn đường bảo: “Theo dấu hiệu này thì lâm tặc mới kéo gỗ ra khỏi rừng khoảng 2 ngày trước”.

Lán gỗ nằm ngay trong khu rừng đặc dụng Sốp Cộp (Ảnh chụp ngày 8/1/2024).

Tiếp tục lần theo vết kéo gỗ của lâm tặc vào sâu trong rừng khoảng 500m nữa, chúng tôi bắt đầu bắt gặp một bãi xẻ ngổn ngang. Tại đây, một gốc cây dổi bị hạ có đường kính khoảng 1m, một tấm ván rộng 30cm, dài 4m chưa kịp vận chuyển. Vượt qua đỉnh núi cách bãi xẻ đầu tiên khoảng 300m, tại một khe suối, chúng tôi tiếp tục phát hiện một bãi xẻ khác với nhiều khúc gỗ dổi đường kính từ 90cm - 1m đang nằm ngổn ngang. Những người dẫn đường cho biết, tuần trước tại vị trí này, lâm tặc tập kết một đống gỗ hộp, ván lớn ở đây, nhưng hôm nay lên thì đã bị chuyển đi rồi. Đi sâu vào rừng khoảng 200m nữa, chúng tôi lại phát hiện một cây dổi đường kính khoảng 1m bị đốn hạ, còn 2 hộp gỗ dày 15cm, rộng 50cm, dài 2m nằm lại hiện trường và phần còn lại của gỗ dài khoảng 10m vẫn chưa bị xẻ. Như vậy, chỉ sau 2 tiếng tìm kiếm trong khu vực này, chúng tôi đã phát hiện 10 cây gỗ dổi bị đốn hạ.

Những hộp gỗ dổi chưa kịp vận chuyển (Ảnh chụp ngày 8/1/2024)

Cần sớm ngăn chặn việc phá rừng

Theo những người dẫn đường, số lượng gỗ bị xâm hại phát hiện được trong 2 ngày qua ước tính lên tới hàng chục mét khối, nhưng điều đáng quan tâm nhất, là việc khai thác gỗ không chỉ diễn ra ở những vị trí chúng tôi đã thực tế, mà còn đã và đang diễn ra tại nhiều khu vực có quần thể các loại cây thông, dổi, thồ lộ và si đá.

Phần còn lại của cây dổi chưa kịp xẻ (Ảnh chụp ngày 8/1/2024).

Rừng đặc dụng Sốp Cộp có diện tích trên 17.500 ha, trải dài trên địa phận của 6 xã: Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh, huyện Sốp Cộp; Nậm Mằn, Huổi Một, Mường Cai, huyện Sông Mã. Việc hàng chục cây gỗ dổi, si đá cổ thụ trong rừng đặc dụng Sốp Cộp bị lâm tặc “xẻ thịt” không thương tiếc và không có dấu hiệu bị ngăn chặn, đã khiến nhân dân địa phương rất bức xúc, bởi rừng từ lâu đã gắn bó với cuộc sống của họ.

Đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng này, bảo vệ rừng đặc dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Một gốc dổi vàng vừa bị hạ (Ảnh chụp ngày 8/1/2024).

PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới