Khơi thông "huyết mạch" để vươn mình: KỲ I. Phá thế độc đạo

Phát triển mạng lưới giao thông vùng cao, phá thế độc đạo, kết nối tỉnh Sơn La với các tỉnh, vùng miền trong cả nước, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh..., là chủ trương lớn, được tỉnh Sơn La ưu tiên "đi trước một bước". HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, tạo phong trào thi đua, làm đường giao thông sôi nổi.

Giọng nam

Ký ức về những con đường “chồn chân vó ngựa”

Những con đường trên đỉnh núi tại huyện Bắc Yên.

Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, địa hình phức tạp, chia cắt mạnh. Những con đường nắng bụi, mưa lầy từng là nỗi ám ảnh của nhiều cán bộ từ miền xuôi lên vùng cao Sơn La công tác từ những năm 80 của thế kỷ trước. Giao thông cách trở là nguyên nhân kéo tụt giá trị nông sản, cản trở kinh tế, khiến Sơn La kém phát triển trong thời gian dài.

Đường về các bản vùng cao xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn

Là một trong hơn 1.300 thanh niên đầu tiên của tỉnh Hưng Yên tham gia xây dựng vùng kinh tế mới tại Sơn La, trong ký ức của ông Phan Trọng Choắt, năm nay gần 90 tuổi, ở thôn 7, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, vẫn nhớ rõ cảm giác khi đi trên những "chuyến xe bão táp" của cung đường lên Tây Bắc ngày đó.

Ông Choắt kể lại: Khi đó Tây Bắc, chúng tôi đi từ quốc lộ 5, qua Hà Nội, Hà Đông, rồi ngược lên Hòa Bình... Con đường rộng chỉ vừa hai bánh xe, đất bùn, trơn trượt, ngoằn ngoèo, hiểm trở, cây cối, lau lách um tùm. Hai bên đường là tà luy dựng đứng hoặc vực sâu thăm thẳm. Ngồi trên xe xóc như xóc ốc, có người sợ hãi bật khóc, người thì nôn thốc nôn tháo vì say xe. Sau 3 ngày, 3 đêm, mới đặt chân đến Sơn La.

Đường về các bản vùng cao xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, mùa mưa lũ.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khôi phục kinh tế sau chiến tranh, kiến thiết đất nước, hệ thống giao thông Sơn La dần có bước tiến. Tuy nhiên, so với các tỉnh miền xuôi, còn vô cùng khó khăn. Theo rà soát của ngành Giao thông vận tải tỉnh, năm 2010, tỉnh Sơn La có trên 8.500 km đường bộ các loại. Ngoài ra, còn có khoảng 4.800 km đường dân sinh, ô tô không đi được; toàn tỉnh còn 1 xã chưa thông đường ô tô đến trung tâm xã; có 72 xã chưa có đường ô tô đi được 4 mùa; 30 bản chưa có đường giao thông đến bản...

Đường về bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn.

Nhắc đến xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, nhiều thế hệ cán bộ, công chức và nhân dân đã từng đến đây, đều hằn sâu ký ức về một xã vùng cao nghèo nàn, lạc hậu, giao thông cách trở; tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 90%, kéo dài trong nhiều năm.

Chứng kiến những giai đoạn khó khăn nhất của xã Phiêng Cằm, ông Giàng A Da, nguyên Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm giai đoạn 2010-2015, bộc bạch: Tôi còn nhớ, có năm, mưa nhiều, nông sản không vận chuyển đi tiêu thụ được, những lán nương chất đầy ngô, sắn để mốc, mối mọt phải bỏ đi. Mùa giáp hạt, người dân không có tiền mua gạo, phải ăn ngô, sắn, rau rừng. Sự cách trở về giao thông là nguyên nhân khiến Phiêng Cằm chậm phát triển. 

Gian nan đường về các bản vùng cao xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn.
Gian nan đường về bản Làng Sáng, xã Háng Đồng năm 2005.

Đối với huyện vùng cao Bắc Yên, vùng đất một thời với những con đường “chồn chân vó ngựa” chỉ đi được một mùa, khiến bao người phải sờn lòng.

Đường đi học của con em bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên năm 2005.

Ông Mùa A Xà năm nay gần 70 tuổi, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Háng Đồng, nhớ lại: Trước đây, khi chưa có tỉnh lộ 112 kết nối các xã vùng cao với trung tâm huyện Bắc Yên, để đến xã Háng Đồng, cách duy nhất là đi bộ lên xã Tà Xùa, rồi đi xuống thung lũng sâu, vượt qua những đỉnh núi cao; hành trình đi 2-3 ngày và phải có người dẫn đường, ăn cơm nắm và ngủ lại trên lán nương, cuộc sống vô cùng khó khăn...

Đường về bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên hôm nay.
Đường về bản Co Cháy, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu được đổ bê tông kiên cố.

Hướng mắt, ngắm nhìn những con đường được đổ bê tông, kéo dài như những dải lụa trắng vắt từ núi này qua núi kia, nối liền bản với bản, ông Xà nói "như đinh đóng cột":... Không chỉ đường về trung tâm xã, nay đường về bản Làng Sáng đã được đổ bê tông, bà con đi xe máy dễ dàng. Trước đây đi bộ cả ngày, giờ mất có 2 giờ đồng hồ.

Được Nhà nước làm đường, Làng Sáng giờ đây không còn là bản biệt lập. Đời sống nhân dân nâng cao. Các gia đình đã làm nhà mới khang trang lợp tôn, ngói đỏ, có tivi, xe máy, có điện cho trẻ con học tập. Nhất là tư duy sản xuất của nhân dân nâng lên một bước, tiêu biểu là mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng, trồng sa nhân làm vành đai “xanh” cản lửa bảo vệ rừng, kết hợp chăn nuôi đại gia súc, nhiều hộ có thu nhập khá.

Những con đường “chồn chân vó ngựa”, hình ảnh những đàn ngựa thồ hàng, người dân với đôi chân trần, mồ hôi mướt mát, gánh, gùi nông sản đi bộ cả ngày xuống chợ đổi lấy muối, mắm, gạo... đã lùi vào quá khứ. Có đường liên huyện, liên xã, liên bản… làm cho bức tranh đời sống của vùng cao huyện Mai Sơn, huyện Bắc Yên nói riêng và bản làng vùng cao nói chung của tỉnh Sơn La đang thực sự khởi sắc. Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số năm 2024 khoảng 24,78 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3%/năm trở lên.

 Những quyết sách tạo bước ngoặt

Đầu tư phát triển giao thông là một chủ trương lớn, khâu đột phá chiến lược xuyên suốt các nhiệm vụ Đại hội Đảng các cấp. Trong nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 -2020, đặt ra mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Đường về xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên được đổ bê tông khang trang.

Cụ thể hóa mục tiêu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 30/NQ-TU ngày 13/5/2015 về tăng cường lãnh đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 1/10/2016 về phát triển kết cấu kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ giai đoạn 2016 -2020, trong đó, mục tiêu trọng tâm là cứng hóa hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã. Ngày 2/6/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; trong đó, chương trình xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã là một trong 7 chương trình trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Đảm bảo thực hiện mục tiêu hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; phát động các phong trào thi đua, phấn đấu đến năm 2019, hoàn thành 96% các xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa.

Nhân dân bản Vàn, xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên, đổ bê tông đường nội bản.

Từ các chủ trương của tỉnh, HĐND tỉnh kịp thời ban hành quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020. Đồng chí Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Với phương châm “Giao thông đi trước một bước”, "đường rộng đến đâu, dân giàu đến đó", từ năm 2013 đến nay, HĐND tỉnh Sơn La nhiều lần sửa đổi, ban hành nghị quyết phát triển giao thông phù hợp từng thời điểm. Tiêu biểu, Nghị quyết số 41/2013/NQ-HĐND ngày 14/3/2013 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nội bản, tiểu khu, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn tỉnh Sơn La từ năm 2013, 2014. Theo đó, nhà nước hỗ trợ 100% xi măng; các bản, tiểu khu, tổ dân phố tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, đổi đất, giải phóng mặt bằng, góp ngày công lao động và cát, đá, sỏi xây dựng công trình…

Đường về bản Suối Quốc, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, được đổ bê tông.

Tiếp đó, ngày 10/9/2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 (thay thế Nghị quyết số 41/2013/NQ-HĐND). Nhà nước hỗ trợ xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, mức hỗ trợ tối đa 70% theo dự toán được duyệt xây dựng hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh 30% đối với xã khu vực I; 35% xã khu vực II; 45% xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn thuộc khu vực I, II, để xây dựng đường giao thông đến bản đạt chuẩn; xây dựng đường giao thông nội bản, tiểu khu đạt chuẩn; xây dựng đường giao thông trục chính nội đồng đạt chuẩn. Ngoài ra, ngân sách huyện, xã, hỗ trợ một phần chi phí hoàn thiện công trình, vật liệu, máy thi công, bờ kè ở những điểm xung yếu, theo khả năng cân đối của địa phương.

Đường về bản Song, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu.

Ngay khi nghị quyết HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, lập, thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư 30 dự án, tổng chiều dài 600 km đường đến trung tâm của 43 xã, kịp thời đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, làm cơ sở triển khai các dự án. HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 29/30 dự án.

Đảm bảo dự án triển khai hiệu quả, UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện cụ thể, chi tiết. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín hiến đất, góp ngày công, tiền... xây dựng đường giao thông nông thôn. Qua đó, xuất hiện nhiều tuyến đường ý Đảng, lòng dân, làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc, nhân lên niềm tin trong nhân dân.

Quàng Hưởng - Minh Thu - Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới