Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 160-KH/TU ngày 28/12/2009 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác bảo hiểm y tế (BHYT), đưa chỉ tiêu người dân có thẻ BHYT vào chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Cấp ủy, chính quyền vào cuộc
Mục tiêu từng bước mở rộng tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT, tiến tới phủ rộng BHXH, BHYT toàn dân đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp phù hợp được triển khai đồng bộ. Đó chính là việc đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã, đã phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT.
Xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai có 11 bản, 6.991 nhân khẩu, nhân dân trong xã đã quen với hình ảnh lãnh đạo UBND xã đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về lợi ích tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, tỷ lệ bao phủ BHYT của xã tăng từ 64% dân số năm 2022, lên 95,5% năm 2023, góp phần hoàn thành các tiêu chí, đưa xã Chiềng Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, thông tin: Năm 2024, xã đặt mục tiêu bao phủ BHYT đạt 95% trở lên, nên ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT xã thành lập 11 tổ công tác, do các đồng chí cấp ủy viên phụ trách bản làm tổ trưởng, phối hợp với cán bộ BHXH huyện không quản ngày, đêm, kể cả thứ bảy, chủ nhật, đi từng bản phân tích lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và báo cáo hằng tuần để Ban chỉ đạo nắm bắt khó khăn, cùng đưa ra giải pháp thực hiện.
Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Nhai đã ban hành Kết luận về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện giai đoạn 2023-2025. Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Sau khi kết luận ban hành, UBND huyện chỉ đạo các xã khi thẩm định, phê duyệt đối tượng vay vốn chính sách, phải cam kết mua BHYT, đảm bảo người vay vốn được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhờ đó, năm 2023, số người tham gia BHXH đạt 7.506 người, bằng 20% lực lượng lao động; 64.340 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 95,2% dân số; 5 xã nông thôn mới đạt bao phủ từ 90% trở lên và 2 xã nông thôn mới nâng cao đạt trên 95%.
Còn tại huyện Phù Yên, thực hiện Kết luận số 1237-KL/HU ngày 5/5/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND xã, thị trấn tập trung phát triển người tham gia, rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp, HTX đăng ký tham gia BHXH, BHYT; trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT; phổ biến, truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; giải đáp những vướng mắc của người lao động, người sử dụng lao động về BHXH, BHYT và yêu cầu tham gia theo quy định pháp luật.
Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, thông tin: UBND huyện giao chỉ tiêu từng xã, thị trấn, gắn trách nhiệm người đứng đầu theo tinh thần “5 rõ” trong thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHYT; chỉ đạo UBND các xã nông thôn mới vận động các bản, tiểu khu, đưa việc tham gia BHYT vào quy ước, hương ước và là một trong những tiêu chí xét gia đình văn hóa. Năm 2023, toàn huyện có 7.766 người tham gia BHXH; 106.586 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 100% dân số có mặt tại huyện.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2023 của tỉnh Sơn La đạt 98,3% dân số, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giao 96% dân số, vượt chỉ tiêu BHYT Thủ tướng Chính phủ giao 95,35% dân số, tiệm cận BHYT toàn dân.
Phát huy “cánh tay nối dài”
Hơn 7 năm nay, chị Nguyễn Thị Chung, nhân viên Công ty TNHH MTV an sinh Bảo Long - Sông Mã thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của các tổ, bản sinh sống tại thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã để giải thích ngắn gọn, dễ hiểu về BHXH, BHYT; chị khéo léo đưa những chính sách về BHYT, BHXH tự nguyện đến gần nhân dân.
Chị Nguyễn Thị Chung cho biết: Tôi đang phụ trách 150 khách hàng tham gia BHXH, BHYT. Muốn làm tốt việc vận động người dân tham gia, trước hết phải hiểu rõ chính sách BHXH, BHYT, thường xuyên cập nhật chính sách, quy định mới trong Luật BHXH, Luật BHYT. Bên cạnh đó, phối hợp tốt với các tổ chức, đoàn thể, nhất là chi hội phụ nữ trực tiếp đến từng hộ nói về quyền lợi BHXH, BHYT. Đồng thời, tranh thủ lồng ghép tuyên truyền thông qua các cuộc họp tổ, bản.
Bà Nguyễn Thị Y, tổ 4, thị trấn Sông Mã, làm nghề kinh doanh tự do, chia sẻ: Năm 2018, sau khi nghe nhân viên Công ty TNHH MTV an sinh Bảo Long - Sông Mã trực tiếp đến tận nhà tư vấn, tôi đã hiểu, nếu tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Ngoài ra, còn được cấp miễn phí thẻ BHYT và trợ cấp mai táng, tử tuất khi không may qua đời… Nên tôi quyết định tham gia từ đó đến nay.
Ông Ngô Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV an sinh Bảo Long - Sông Mã, cho biết: Công ty có 9 nhân viên, cộng tác viên, đã phân công địa bàn cho từng nhân viên phụ trách. Hằng năm, phối hợp với BHXH huyện đề xuất với BHXH tỉnh tổ chức tập huấn cho nhân viên thu; thường xuyên rà soát hạn tham gia BHYT và kỳ đóng BHXH tự nguyện của từng người để tuyên truyền, vận động đóng kịp thời, đảm bảo quyền lợi người tham gia.
Hiện nay, BHXH tỉnh và các huyện ký hợp đồng ủy quyền 6 tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT với 317 điểm thu, 1.303 nhân viên thu và cộng tác viên, phủ khắp tất cả bản, xã, phường, thị trấn. Năm 2023, các tổ chức dịch vụ thu phát triển mới gần 24.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 157.177 người tham gia BHYT tự đóng.
Ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ thu, giúp cơ quan BHXH có nhiều kênh khai thác, làm tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Nhất là, nhân viên thu là người địa phương, thường xuyên tiếp xúc với người dân, thuận lợi biết tiếng dân tộc, địa bàn để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Họ chính là “những cánh tay nối dài”, góp phần đưa chính sách BHXH đến gần hơn với người dân, ngày càng có nhiều người tham gia, thụ hưởng chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Mục tiêu phủ rộng BHXH, BHYT toàn dân
Đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 1.237.659 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 94,6% dân số, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3.610 người, cộng với số ngoại tỉnh tăng 12.501 người, nhưng những con số này giảm gần 4% so với cuối năm 2023. Còn BHXH tự nguyện, có 41.643 người tham gia, bằng 5,46% lực lượng lao động, tăng mới 551 người nhưng so với cùng kỳ năm 2023, giảm 3.408 người, cộng với số bảo lưu giảm 2.508 người.
Ông Thiều Quang Ngãi, Giám đốc BHXH tỉnh, lý giải: Lý do việc tham gia BHXH, BHYT của người dân còn chưa bền vững, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội của tỉnh; các đơn vị, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm, thu nhập giảm, dẫn đến việc trích nộp BHXH, BHYT không được đầy đủ, kịp thời; đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
Thực hiện Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng, thực hiện từ 1/1/2022, nên mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn gấp đôi, trong khi số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đăng ký mức thu nhập dưới 1,5 triệu đồng chiếm trên 70% số người tham gia BHXH tự nguyện, nên số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện dừng không tham gia tiếp khá lớn. Số người được ngân sách Nhà nước mua BHYT chiếm tỷ trọng lớn, tính bền vững không cao, khi thay đổi chính sách, người dân không được ngân sách Nhà nước mua BHYT, khó khăn trong tiếp tục tham gia BHYT.
Với sự đồng hành vào cuộc của các cấp, các ngành, BHXH tỉnh Sơn La đang kiến nghị với BHXH Việt Nam đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế thực hiện có lộ trình thay đổi mức hỗ trợ mua thẻ BHYT đối với người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng II, vùng III, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 và người dân tộc thiểu số đang được Ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, không cắt giảm toàn bộ mức hỗ trợ khi thay đổi danh sách các xã vùng II, vùng III, thôn đặc biệt khó khăn.
Điều chỉnh mức đóng BHYT theo lộ trình, phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đảm bảo cân đối thu, chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người bệnh được thụ hưởng tốt nhất các chính sách về BHYT, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Hành trình phủ rộng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt kết quả hết sức quan trọng, để lại những kinh nghiệm, tạo đà để tỉnh Sơn La quyết tâm đến năm 2025 đạt mục tiêu 96,2% dân số tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!