Đưa điện về bản

Thực hiện chương trình cấp điện nông thôn, trong những năm qua với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, dòng điện lưới quốc gia đang tỏa sáng trên khắp các bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Có điện, điều kiện sống của người dân được cải thiện, từng bước thoát nghèo, đem lại một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đưa điện lưới quốc gia về bản Pá Nó, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn. 

 Ánh điện đổi thay cuộc sống

Cùng Đoàn Công tác của Công ty Điện Lực, Sở Công Thương ngược xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn để vào bản Pá Nó, một trong những bản đặc biệt khó khăn của huyện, 100% đồng bào dân tộc Mông. Để đến được bản, chiếc xe bán tải của Điện Lực lắc lư vượt qua con đường đất đá lởm chởm, khúc khuỷu, nhiều dốc đèo, góc cua tay áo với gần 10km. Suốt dọc tuyến đường, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những cây cột điện mới được dựng trên đỉnh đồi, mới thấy sự nỗ lực, vất vả cực lớn của chính quyền địa phương cũng như ngành điện, đơn vị thi công trong việc kéo lưới điện về bản.

Đồng hành cùng chúng tôi vào bản, anh Hà Văn Tiến, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Xây dựng Công Nghiệp K28, cho hay: Trong quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn về quá trình vận chuyển xi măng, cát, đá, cột điện, đơn vị thi công phải dùng máy xúc san gạt đường, rồi vận chuyển nguyên vật liệu bằng thủ công, cộng thêm ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài, nhưng đơn vị thi công đã nỗ lực hoàn thành vượt tiến độ của chủ đầu tư đưa ra, bản cũng có thêm con đường rộng thuận tiện đi lại, dân bản ai cũng vui cảm ơn đơn vị thi công nhiều lắm!

Đón chúng tôi ngay đầu bản, ông Và A Cu, Bí thư, trưởng bản Pá Nó đưa chúng tôi đi thăm các hộ trong bản, đoàn công tác đi đến đâu, bà con vui mừng ra đón chào đến đó. Trong câu chuyện với chúng tôi, trưởng bản vui mừng nói: Trước khi chưa có điện, bà con phải dùng máy phát điện, điện năng lượng mặt trời, đèn pin, vừa mất an toàn, điện lại không đủ sáng. Cuối năm vừa rồi, ước mơ có điện lưới quốc gia của 163 hộ dân trong bản đã thành hiện thực, bà con trong bản ai cũng vui mừng, phấn khởi, nhiều gia đình đã đi xuống huyện sắm ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy xay xát, máy thái chuối, đèn học cho con, cháu...

Chỉ tay vào bóng điện sáng, tủ lạnh, nồi cơm điện mới mua, anh Mùa A Nhìa, phấn khởi: Ngày được đóng điện, bà con trong bản ai cũng vui mừng, phấn khởi. Vui hơn khi được nhân viên điện lực tận tình hướng dẫn bà con sử dụng các thiết bị điện tại gia đình, cũng như đảm bảo an toàn cho hành lang lưới điện. Có điện rồi, bà con bản Pá Nó mong năm nay sẽ có thêm một con đường bê tông kiên cố dẫn ra trung tâm xã.

Nỗ lực triển khai

Giờ đây khi đi qua các bản, làng vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, phóng tầm mắt, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những hàng cột điện vững chãi băng qua núi cao, vực sâu, địa hình hiểm trở để đưa điện lưới quốc gia về thắp sáng.

Nói về những nỗ lực trong việc đưa điện lưới quốc gia về tới các thôn, bản, ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo, quyết định ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo đảm bảo phù hợp với điều kiện yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định kế hoạch thực hiện chương trình cấp điện nông thôn tỉnh năm 2023, trong đó tham mưu lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để giao UBND các huyện thực hiện mục tiêu cấp điện nông thôn.

Sở Công Thương đã phối hợp với Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh huy động nguồn lực, cân đối các nguồn vốn đầu tư cho dự án đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, hoàn thiện thủ tục trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục về đất đai thực hiện dự án; phối hợp với các huyện tuyên truyền vận động nhân dân các bản trực tiếp có dự án và các bản có dự án đi qua tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản, vật kiến trúc trong phạm vi ảnh hưởng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu triển khai các công trình đầu tư cấp điện trên địa bàn...

Năm 2023, tổng số vốn thực hiện chương trình cấp điện nông thôn tỉnh trên 250,4 tỷ đồng, trong đó, tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh là hơn 189,7 tỷ đồng, dự án các huyện làm chủ đầu tư hơn 54 tỷ đồng, ngành điện đầu tư phát triển công tơ mới 6,5 tỷ đồng để hoàn thành cấp điện cho 10.506 hộ dân.

Thực hiện tiểu dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh năm 2023, Sở Công Thương được giao hơn 189,7 tỷ đồng, đầu tư mới cho 1.307 hộ chưa được sử dụng điện, nâng cấp đầu tư điện an toàn cho 3.051 hộ tại các huyện Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn. Ngay sau khi có quyết định giao vốn, từ đầu năm, Sở đã giao cho Công ty Điện lực Sơn La là đơn vị tư vấn quản lý, giám sát, chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư, ký kết hợp đồng triển khai thực hiện.

Cán bộ Sở Công Thương và Công ty Điện Lực Sơn La hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn. 

Ông Lường Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ quản lý Công trình, Ban Quản lý dự án Công ty Điện lực Sơn La, thông tin: Ban quản lý tham mưu cho chủ đầu tư lập kế hoạch triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu, giải ngân vốn, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; cử cán bộ đủ năng lực có mặt tại công trình, kiểm soát chặt chẽ quy trình, chất lượng, tiến độ thi công công trình. Tăng cường chỉ đạo, giám sát các đơn vị thi công chủ động nguồn nhân lực, nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, đảm bảo triển khai dự án theo kế hoạch.

Triển khai dự án công trình điện gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các bản trong vùng dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa, đèo cao, vực sâu chia cắt, hạ tầng giao thông hạn chế. Song với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ngành và sự ủng hộ, đồng lòng của người dân, năm 2023, các dự án đã hoàn thành, đảm bảo, vượt tiến độ theo kế hoạch. Đã hoàn thành cấp điện cho 10.506 hộ dân, trong đó: đầu tư mới cho 1.340 hộ chưa được sử dụng điện, nâng cấp đầu tư điện an toàn cho 5.166 hộ tại huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Mường La, Sốp Cộp; Ngành điện đầu tư phát triển công tơ mới cho 4.000 hộ. Nâng tổng số hộ trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,2%, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn trên 95%, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần.

Mục tiêu 100% số bản có điện lưới quốc gia

Phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt đạt trên 99,5%, trong đó tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt an toàn đạt trên 96,5%, đầu tư cấp điện cho 10.156 hộ, trong đó đầu tư mới cho 6.278 hộ, nâng cấp đầu tư điện an toàn cho 3.878 hộ.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Công ty điện lực Sơn La triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì, tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Hoàn thành hồ sơ thủ tục, quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành của Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị giám sát, tư vấn quản lý dự án, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ tiểu dự án cấp điện nông thôn, phấn đấu hoàn thành đóng điện cho các hộ dân trong thời gian sớm nhất.

Cán bộ Công ty Điện lực Sơn La và Sở Công Thương kiểm tra hệ thống điện trạm biến áp bản Pá Nó, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn.  

Đối với UBND các huyện trong năm 2024 lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư cấp điện an toàn cho 2.778 hộ, trong đó đầu tư mới cho 480 hộ, nâng cấp điện an toàn cho 2.298 hộ. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La chia sẻ: Năm 2024, huyện Mường La cấp điện cho 309 hộ, trong đó nâng cấp điện an toàn cho 309 hộ, với tổng nguồn vốn hơn 5,8 tỷ đồng. UBND huyện tham mưu cho Ban Thường vụ huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy, UBND cấp xã, thôn bản, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hiến đất để thực hiện dự án. Phối hợp với các ngành chức năng, UBND huyện giáp ranh, Công ty Điện lực Sơn La, các nhà thầu thi công triển khai đúng tiến độ, kế hoạch giải phóng mặt bằng thi công trên địa bàn, tập trung kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu...

Hầu hết các bản chưa được cấp điện hiện nay trên địa bàn tỉnh đều ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, giao thương đi lại khó khăn. Nỗ lực tăng số hộ được cấp điện từ lưới điện quốc gia, ông Trần Duy Trinh, Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, thông tin: Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, UBND cấp huyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án do ngành điện đầu tư. Tiếp tục làm việc với Tổng Công ty điện lực Miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cân đối nguồn lực, tiếp tục quan tâm đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia cho các hộ dân sử dụng điện chưa an toàn trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn ngành điện...

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh tỷ lệ số hộ gia đình được dùng điện sinh hoạt an toàn đạt 99% và 100% số bản được sử dụng điện theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, ngành Công Thương, Điện lực và các huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt toàn tỉnh, phát huy hiệu quả vốn đầu tư cấp điện nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo mới cho các thôn, bản vùng cao của tỉnh.

Bài, ảnh: Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới