Sau gần 2 thập kỷ thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, Chiềng Bằng huyện Quỳnh Nhai, từ một vùng đất còn khó khăn bộn bề trong sắp xếp dân cư, di dân nay đã có những phát triển khởi sắc đáng khâm phục, trở thành miền quê trù phú bên hồ thủy điện trong xanh.
Ký ức di dân
Chiềng Bằng, một vùng đất cổ, với nền văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Thái đen ở huyện Thuận Châu trước đây và hiện nay là huyện Quỳnh Nhai. Trước khi tích nước lòng hồ thủy điện Sơn La, Chiềng Bằng là vựa lúa của huyện Thuận Châu với cánh đồng lúa rộng hằng trăm ha; có dòng suối Muội chạy quanh tắm mát cho đất và người Chiềng Bằng từ bao đời nay.
Cuối năm 2004, Chiềng Bằng là 1 trong 6 xã của huyện Thuận Châu sáp nhập vào huyện Quỳnh Nhai. Đến tháng 5/2005, Chiềng Bằng là địa phương đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai thực hiện di chuyển dân xây dựng thủy điện Sơn La với bộn bề những khó khăn, thử thách. Ông Lù Văn Trám, nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, giai đoạn 1999 -2009, kể lại: Nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện được thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, an toàn; đồng thời phải sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân tái định cư tại nơi ở mới.
Trong 5 năm, xã Chiềng Bằng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện hoàn thành việc kiểm đếm và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 1.174 hộ phải di chuyển (trong đó 795 hộ thuộc diện di vén; 379 hộ phải chuyển đến các huyện trong tỉnh); hoàn thành việc đề nghị phê duyệt chi tiết 7 điểm tái định cư mới nội xã. Xã cũng đã tổ chức di chuyển xong trụ sở và các đơn vị ra khỏi vùng ngập, 1.174 hộ dân đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, đúng tiến độ.
Sau khi tích nước lòng hồ thủy điện, phần lớn diện tích đất màu mỡ, phì nhiêu của Chiềng Bằng đều nằm dưới lòng hồ. Đất sản xuất ít, người dân vốn quen làm ruộng, nương, nay sống giữa sóng nước mênh mông, việc ăn, ở, đi lại, sản xuất đều phải thay đổi. Thời điểm đó, đối với một xã thuần nông như Chiềng Bằng việc ổn định và nâng cao đời sống cho người dân sau tái định cư là một bài toán khó đặt ra với cấp ủy, chính quyền nơi đây.
Những mô hình kinh tế mới
Thực hiện mục tiêu “đồng bào di chuyển đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”, Đảng bộ, chính quyền xã Chiềng Bằng đã cụ thể hóa bằng những giải pháp cụ thể mang tính bền vững, lâu dài. Bởi tiền hỗ trợ cho dân bao nhiêu cũng dùng hết, phải có kế sách lâu dài, phải hỗ trợ cho người dân những chiếc “cần câu” thực sự hiệu quả. Để làm được việc này, xã Chiềng Bằng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm “cầm tay, chỉ việc” đồng hành cùng người dân trong công cuộc xóa đói nghèo.
Năm 2009, ông Lưu Bỉnh Khiêm, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi thủy sản tỉnh được tăng cường làm Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng từ năm 2009 đến 2011. Ông đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng các mô hình tại xã, trong đó nổi bật là nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện.
Ông Khiêm chia sẻ: Thời điểm đó, việc tìm ra những mô hình kinh tế hiệu quả là điều rất cấp thiết. Năm 2010 từ nguồn vốn sự nghiệp của huyện, xã Chiềng Bằng triển khai thí điểm nuôi 20 lồng cá trên lòng hồ. Nhờ làm đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tỷ lệ cá sống cao, lúc ấy cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân ai cũng mừng, xác định rằng, đây chính là hướng đi đúng để xóa đói nghèo cho bà con.
Từ mô hình thí điểm thành công, tận dụng lợi thế hơn 2.000 ha mặt nước lòng hồ, xã Chiềng Bằng đã tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của chương trình 30a hỗ trợ người dân tiếp tục thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ; vận động các hộ dân dọc sông nuôi, đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 88 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, đối với HTX thủy sản hỗ trợ 1 lần 5 triệu đồng/1 lồng cá trên vùng lòng hồ thủy điện đã giúp Chiềng Bằng thúc đẩy các HTX mở rộng thêm lồng nuôi cá.
Mô hình nuôi cá lồng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhân dân tái định cư ở Chiềng Bằng; trung bình 1 lồng cá 35 m2 cho thu hoạch 3 tạ cá /trên năm, với giá bán từ 80-100 nghìn đồng/kg tuỳ từng loại cá cho thu khoảng 30 triệu đồng. Từ vài chục lồng cá ban đầu nuôi thí điểm, đến nay, xã Chiềng Bằng trở thanh trung tâm nuôi thủy sản tầm cỡ của tỉnh với 2.648 lồng cá với nhiều loại cá khác nhau như trắm, chép, lăng, nheo…; chiếm hơn một nửa số lồng cá của toàn huyện, tập trung tại 5 HTX thủy sản đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn xã. Các HTX là nơi liên kết các hộ nuôi cá, chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi vậy, từ chỗ chỉ biết đánh bắt thuần túy, nay người dân trên vùng lòng hồ đã biết nuôi cá thương phẩm, làm giàu từ nghề cá.
Chúng tôi gặp lại ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX thủy sản Chiềng Bằng, một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng trên lòng hồ. Từ vài lồng cá nuôi thí điểm, đến nay gia đình ông duy trì ổn định 30 lồng cá. Khác với hình ảnh những giám đốc quần áo là lượt, bảnh bao “Giám đốc chân đất” Lò Văn Khặn giữ cho mình vẻ giản dị, chất phác, đậm chất nông dân, ông Khặn thông tin: HTX thủy sản Chiềng Bằng có 42 thành viên đều là nông dân trong xã, tham gia nuôi 580 lồng cá. Bình quân năm, HTX đã bán khoảng 100 tấn cá thương phẩm với doanh thu trên 8 tỷ đồng; hiện sản phẩm cá của HTX được xuất bản cho các thương lái trong và ngoài tỉnh.
Với bản chất cần cù và sáng tạo, cùng với nuôi cá lồng trên lòng hồ, người dân Chiềng Bằng còn tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây ăn quả trên đất dốc. Diện tích đất sản xuất không còn nhiều người dân nuôi gia súc theo hướng nhốt chuống; những chỗ đất tốt trồng cây ăn quả; chỗ đất xấu, bạc màu trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Hiện nay, 11/11 bản đều thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc nhốt chuồng với tổng số hơn 8.000 con, hơn 45.000 con gia cầm. Người dân trồng 130 ha cỏ để phục vụ chăn nuôi đại gia súc và cá lồng; hơn 220 cây ăn quả các loại. Cũng chính từ mô hình phù hợp, hiệu quả cuộc sống của nhân dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,2%. Đây là con số rất ấn tượng thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây.
Miền quê trù phú
Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, người dân tích cực góp công sức, tiền của cùng Đảng bộ, chính quyền xã xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển trở thành miền quê trù phú bên sông Đà. Quả thực về Chiềng Bằng hôm nay không khỏi ngỡ ngàng với những vườn cây trái xanh tốt, những tuyến đường giao thông mới nối dài tới các bản làng, những ngôi nhà khang trang nằm bên lòng hồ bình yên, thơ mộng.
Tản bộ trên cung đường mới được bê tông hóa chạy quanh bên sông Đà, ông Lù Văn Trực bản Bung Én, năm nay đã 91 tuổi, người chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của vùng đất này. Ông Trực thật thà nói: Bản làng đổi thay nhiều lắm, trước khi thực hiện di dân tái định cư cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, có những lúc phải ăn cơm độn ngô, sắn. Bây giờ thì khác rồi, nhà nào cũng có cơm ăn với cá, thịt; mừng nhất là việc học của con cháu được quan tâm, ai cũng muốn con cháu minh học đại học, cao đẳng để có kiến thức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Vận dụng kinh nghiệm từ cuộc vận động cho chiến dịch di dân, trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Chiềng Bằng đã khơi dậy tinh thần tiên phong, gương mẫu của các đảng viên tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. Phát huy nội lực trong nhân dân tham gia hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí.
Đồng chí Lò Thị Thảo, Bí thư Đảng uỷ xã Chiềng Bằng, cho biết: Xây dựng nông thôn là có điểm bắt đầu, không có điểm dừng và không có điểm kết thúc. Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo, tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cho nhân dân đảm nhận vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới.
Bởi vậy, sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2016, xã Chiềng Bằng tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện nâng cao các tiêu chí, xây dựng kế hoạch đạt xã NTM nâng cao. Chiềng Bằng đã huy động được hơn 9,6 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp tiền và ngày công, tổng giá trị gần 6,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ; 100% các tuyến đường trục chính, liên bản được bê tông, cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; 4/4 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia; các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đảm bảo theo quy định… Cuối năm 2023, xã Chiềng Bằng được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Năm 2019, bản Bung Én được sáp nhập từ 4 bản gồm: Bản Bung, Én, Co Trặm và Co Hạ, được sự hỗ trợ của nhà nước từ đầu năm đến nay nhân dân trong bản đóng góp hơn 250 triệu đồng, góp công sức làm đường, làm kè trị giá hơn 200 triệu đồng để hoàn thành 2,6km đường nội bản. Ông Lò Văn Hặc, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, phấn khởi nói: Từ các công trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong bản được hưởng lợi, đường sá đi lại thuận tiện, có điện thắp sáng đường quê, bà con cũng tích cực thi đua lao động, tăng gia sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình.
Những đổi thay rõ nét ở Chiềng Bằng đã và đang minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã đã và đang sát cánh, đồng lòng xây dựng vùng quê bên sông Đà ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!