Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp Sơn La có bước chuyển dịch mạnh mẽ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương và nông dân đang cùng nhau viết tiếp câu chuyện nông nghiệp Sơn La trong kỷ nguyên công nghệ số.
Tạo đòn bẩy từ chính sách
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 hướng tới mục tiêu: Thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh, bền vững; trở thành Trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU với 4 nhóm mục tiêu, 6 nhiệm vụ và 9 giải pháp trọng tâm. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Sơn La sẽ xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu; xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 8 vùng trở lên đủ điều kiện công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tạo “đòn bẩy” hoàn thành mục tiêu, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp được ban hành trước đó, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho từng nội dung công việc cụ thể thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn đến năm 2025. UBND tỉnh đã ban hành 18 kế hoạch, 7 đề án, thành lập tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện nghị quyết.
Tại các cuộc họp của tỉnh bàn về giải pháp phát triển nông nghiệp, vấn đề được các đồng chí lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, đó là đổi mới tư duy, chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường”, từ “lượng” chuyển sang “chất” để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện Nghị quyết, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố rà soát quy hoạch vùng trồng, chăn nuôi tập trung theo thế mạnh và điều kiện của từng địa phương. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao gắn với giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh, như thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững...
Tác động tích cực bước đầu Nghị quyết 08-NQ/TU mang lại, là cùng với việc hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm lực xây dựng nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản.
Khởi công vào năm 2020, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang được hoàn thiện với tổ hợp 3 nhà máy, có tổng công suất thiết kế 50.000 tấn/năm. Mỗi dây chuyền sản xuất có thể đồng thời chế biến đa dạng hầu hết các loại nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Dự kiến tháng 5/2023, trung tâm sẽ đi vào hoạt động. Hiện nay, cùng với việc tập trung phát triển vùng nguyên liệu, chúng tôi đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tuyển dụng 300 lao động địa phương vào làm việc tại nhà máy.
“Thủ phủ” nông nghiệp công nghệ cao
Mộc Châu - địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, chia sẻ: Nghị quyết 08-NQ/TU đã định hướng cho nông nghiệp Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. Đảng bộ huyện đã ban hành đề án về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025. Cùng với ứng dụng công nghệ sinh học, chọn tạo giống cây trồng, tạo nhiều loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, huyện đã từng bước cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU đã giúp Mộc Châu tiếp tục ghi dấu ấn với những con số ấn tượng. Toàn huyện hiện có 211 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm nước cho 426 ha cây trồng; hơn 23 ha cây trồng quản lý hệ thống tưới tiết kiệm bằng công nghệ IOT, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh; 29 cơ sở đầu tư nhà lưới, nhà kính với diện tích trên 42 ha, phù hợp với việc phát triển sản xuất rau, hoa trái vụ... Nông nghiệp Mộc Châu giờ còn gắn với du lịch trải nghiệm, góp phần quan trọng để năm 2022, huyện được bình chọn điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới.
Là đơn vị sản xuất chè thành lập sớm nhất tại Sơn La, Vinatea Mộc Châu đã và đang có những bước phát triển mới, khẳng định thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ông Lê Chí Long, Tổng Giám đốc Vinatea Mộc Châu, thông tin: Nhiều năm qua, Công ty đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom, chế biến và phân phối, tiêu thụ đều được kiểm soát nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao gắn với du lịch trải nghiệm.
Với những nỗ lực của Vinatea Mộc Châu và các hộ trồng chè, ngày 15/2/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu, diện tích hơn 329 ha chè của 1.179 hộ dân tại thị trấn Nông trường Mộc Châu liên kết sản xuất với Vinatea Mộc Châu.
Ngọt ngào mùa quả trái vụ
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nông nghiệp Sơn La đã và đang tạo ra những sản phẩm nông sản trái vụ, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với phương thức canh tác truyền thống. Giờ đây lên với Sơn La dù không đúng thời vụ, nhưng du khách vẫn có thể được thưởng thức các loại trái cây trái vụ, như: Nhãn, xoài, mận hậu, dâu tây...
Sông Mã - vựa nhãn của tỉnh với hơn 7.500 ha, sản lượng 60.000 tấn quả. 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trồng nhãn ở các xã trên địa bàn huyện đã áp dụng kỹ thuật xử lý hoa, quy trình tưới, bón phân, tỉa cành, điều chỉnh thời vụ ra hoa, đậu quả sớm hơn vài tháng. Đến nay, Sông Mã có 500 ha nhãn chín sớm, một số vườn cho thu hoạch từ tháng 3, tháng 4 hằng năm, với giá bán cao hơn gấp 2-3 lần so với nhãn chính vụ.
Ông Vũ Văn Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang, chia sẻ: HTX có 14 thành viên, quy mô gần 40 ha nhãn. Đang loay hoay tìm hướng đi, giảm áp lực tiêu thụ quả tươi thì được tỉnh, huyện hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, bón phân, lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương trồng mận chín sớm. Đến nay, HTX có 15 ha nhãn chín sớm, được tư thương vào tận nơi thu mua với giá 50-100 nghìn đồng/kg, trong khi đó nhãn thu hoạch chính vụ chỉ được 8.000 - 15.000 đồng/kg. Thấy hiệu quả kinh tế, nhiều thành viên và HTX khác trên địa bàn cũng đã áp dụng điều chỉnh cho nhãn, xoài ra quả trái vụ.
Còn tại xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, đồng bào nơi đây cũng từng chật vật tìm hướng thoát nghèo. Từ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc và các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất..., Phiêng Khoài trở thành điểm sáng trong việc trồng và cải tạo vườn tạp, người dân có nguồn thu nhập cao từ cây ăn quả. Với 1.800 ha mận hậu đang cho thu hoạch, huyện đang hướng dẫn nhân dân xây dựng vùng trồng mận hậu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2023.
Thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Khánh Toàn, bản Hang Mon 1; bên vườn mận xanh ngút tầm mắt đang cho thu hoạch lứa quả chín sớm, anh cho biết: Được cán bộ tỉnh, huyện tuyên truyền, những người nông dân chúng tôi hiểu và đồng thuận với mục tiêu mà Nghị quyết 08-NQ/TU đề ra. Chúng tôi rất vui khi biết vùng trồng mận hậu của xã đang được xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, HTX đã áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động tạo ra những trái mận hậu chín sớm cho giá trị kinh tế cao. Nếu như trước đây, mận hậu thu hoạch chính vụ, bán xô cho thương lái với giá trung bình từ 10.000 đồng/kg; nhưng giờ được điều tiết ra hoa rải vụ, cho thu quả từ ngay sau Tết Nguyên đán, giá bán tại vườn trung bình từ 50.000-100.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Lại Hữu Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, thông tin: Toàn huyện có trên 11.000 ha cây ăn quả các loại. Những năm gần đây, huyện đã vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thúc đẩy cây ra hoa sớm, ra muộn cho quả trái vụ. Nhờ vậy, các loại quả đều có thể rải vụ thành trà sớm, trà trung, trà muộn; việc kéo dài thời gian thu hoạch các loại cây ăn quả đang là giải pháp hữu hiệu để giải bài toán “được mùa, mất giá”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!