Dấu ấn Nghị quyết 08-NQ/TU • Kỳ 2: Đưa Sơn La thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đã và đang tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng ổn định và phát triển.

Nông dân xã Mường Bon, huyện Mai Sơn thu hoạch rau chân vịt cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Thực tiễn đã chỉ ra, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững thông qua việc ứng dụng công nghệ sinh học, nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau 2 năm thực hiện nghị quyết, Sơn La đã xây dựng, hình thành nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, như: Mô hình mận hậu, nhãn chín sớm, rau an toàn trái vụ, mô hình chăm sóc cây ăn quả, chè, cà phê theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; mô hình trồng na hoàng hậu, dâu tây... cho thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Nhiều HTX, hộ gia đình đã chủ động trong đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là các biện pháp đốn tỉa, bao trái, đầu tư nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới nước tự động... tạo ra các sản phẩm hoa quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Năm 2022, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 8.360 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021. Giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng từ 1,5-2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 5-10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn tương đương tăng 17,4% so với năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 47,3%...

Qua khảo sát, tỉnh Sơn La đã xác định được một số doanh nghiệp có khả năng trở thành doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Chi nhánh Tổng Công ty Chè Việt Nam - Công ty cổ phần tại Sơn La - Vinatea Mộc Châu; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần Greenfarm...

Được công nhận vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao là cơ sở quan trọng để Mộc Châu Milk thực hiện quyết tâm đưa cao nguyên Mộc Châu thành vùng nguyên liệu sữa tươi chuẩn quốc tế, tiếp tục mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao. Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, cho biết: Mộc Châu Milk tiếp tục phát huy những thành công của mô hình liên kết nông hộ, hỗ trợ bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đưa Mộc Châu trở thành trung tâm bò sữa công nghệ cao của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025. Công ty đang triển khai đầu tư trang trại bò sữa 4.000 con gắn với du lịch cùng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa hiện đại, mang đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe. 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa Mộc Châu; vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại các xã Chiềng Chung, Chiềng Dong, Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Dự kiến năm 2023, toàn tỉnh công nhận thêm 4 vùng quả, cây công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Sông Mã, Yên Châu, Thuận Châu và hoàn thành chỉ tiêu công nhận 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La bày bán tại siêu thị Big C - Thăng Long, Hà Nội.

Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Khoa học công nghệ đã và đang được tỉnh Sơn La ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác, kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Khai thác lợi thế, phát huy nguồn lực

Kết quả việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã rõ. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Diện tích được cấp mã số vùng trồng chỉ chiếm 8,7% tổng diện tích cây ăn quả cho sản phẩm. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quy mô nhỏ và chiếm gần 80% tổng số HTX nông nghiệp, năng lực quản trị còn hạn chế. Nhiều HTX khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi do không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La vào năm 2030 chưa được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

Tháo gỡ những khó khăn, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình, như thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt gần 22.500 tỷ đồng, chiếm 58,3% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 19 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 668 lượt tổ chức, cá nhân vay vốn xây dựng kho bảo quản đông lạnh, lò sấy hơi nhiệt... theo Quyết định số 1818/QĐ-UBND của UBND tỉnh, với tổng kinh phí trên 27,4 tỷ đồng.

Sau 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 7 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; 1 đề tài khoa học, công nghệ cấp cơ sở và phối hợp triển khai 1 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp tỉnh; trồng thử nghiệm ớt chuông, dâu tây, dưa chuột kiếm, cà chua cherry; liên kết với 59 HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. 

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Ngành đang nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống; xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng các công nghệ mới, các kỹ thuật tiến bộ và phổ biến nhân rộng phù hợp với địa phương; tăng cường hợp tác với các sở, ngành, viện, trường đại học, doanh nghiệp, địa phương để thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khẳng định: Thực hiện mục tiêu nghị quyết, tỉnh Sơn La đang tập trung cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng của Mộc Châu Milk.

Ngày 24/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 847-KL/TU tại Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06 và 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Theo đó, trong năm 2023, Sơn La tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc xây dựng, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng. Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, nông dân phát triển cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; tăng diện tích, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các sản phẩm hữu cơ phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tiếp tục nghiên cứu phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với lộ trình, bước đi cụ thể, cùng với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp được kỳ vọng là “đòn bẩy” để Sơn La thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới