Trong hành trình gần 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, đến nay huyện Phù Yên đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 có thêm 12 xã đạt chuẩn.
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Theo đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Bí thư Huyện ủy Phù Yên, kết quả đạt được quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trước hết là nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM.
Trong quá trình lãnh đạo, Huyện ủy xác định xây dựng NTM phải thực chất, hiệu quả, không chạy theo thành tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án hỗ trợ khác. Chú trọng các tiêu chí về đời sống nhân dân, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.
Trang bị kiến thức sản xuất cho nhân dân, hằng năm, huyện tổ chức trên 100 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, như trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp, nuôi gia súc nhốt chuồng, nuôi trồng thủy sản cho nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, với tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên 220 tỷ đồng, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn hơn 110 tỷ đồng. Thay thế diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp bằng các loại cây trồng mới phù hợp với từng địa bàn; duy trì và mở rộng diện tích trồng các loại cây lâm nghiệp trên đất dốc; từng bước đưa chăn nuôi gia súc phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Với hướng đi trên, đến nay, huyện đã có 2.510 ha các loại cây ăn quả, sản lượng 12.409 tấn quả các loại/năm. Hằng năm, trồng hơn 400 ha cây vụ 3, sản lượng 1.910 tấn rau màu các loại. Trồng 257 ha cây gai xanh... Duy trì 7.319 m2 nhà màng tại các hợp tác xã; áp dụng tưới tiết kiệm cho 19 ha cây ăn quả; sản xuất 520,9ha lúa hữu cơ; duy trì chất lượng 8 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Duy trì nuôi 991.650 con gia súc, gia cầm; phát triển 437 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình... Diện mạo nông thôn thay đổi, toàn huyện có 739 tuyến đường giao thông nông thôn được đổ bê tông hoặc rải nhựa, dài 965 km, tổng kinh phí là 4.530,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 1.429 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 18 tỷ đồng. Phù Yên đã có 10 xã đạt chuẩn NTM; không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.
Còn đó những việc cần làm
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay, huyện còn 16 xã đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, 3 xã vùng cao, 9 xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, đây là các xã vùng III còn nhiều khó khăn. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 10 xã này khoảng 35-40%; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trên đất nương với các loại cây lương thực ngắn ngày, đánh bắt thủy sản trên hồ thủy điện và chăn nuôi gia súc...
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, cho hay: Hiện nay, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu cứng như đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... khó thực hiện, tiến độ chậm, do nguồn vốn đầu tư Trung ương cấp hạn chế, phân bổ chậm, hướng dẫn thiếu đầy đủ, ảnh hưởng kế hoạch, thời gian thực hiện. Một số xã thiếu quyết liệt trong thực hiện xây dựng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; chưa có cán bộ chuyên trách phụ trách chương trình, chủ yếu là kiêm nhiệm. Một số cán bộ xã được phân công phụ trách bản chưa quan tâm giúp đỡ trong quá trình thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các tiêu chí mềm như: Tiêu chí môi trường, việc chỉnh trang nhà cửa, cải thiện môi trường nông thôn tại một số xã, bản không thực hiện thường xuyên, liên tục, thiếu đồng bộ, môi trường nông thôn chưa được cải thiện. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại, thiếu ý chí vươn lên.
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho rằng, việc phát triển kinh tế ở những xã chưa đạt chuẩn NTM còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, nên chưa tập trung thành vùng chuyên canh. Bởi vậy, việc tích tụ ruộng đất, xây dựng các trang trại sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn khó triển khai. Ngoài ra, việc trồng thí điểm một số các loại cây tại các địa phương trước khi triển khai nhân rộng để thay thế cho cây trồng kém hiệu quả còn hạn chế.
Cách trung tâm huyện 50 km, xã Nam Phong mới đạt 7/19 tiêu chí NTM. Ông Mùi Văn Tha, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Nằm ở vị trí xa trung tâm huyện, nên nhân dân ít có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm sản xuất và buôn bán hàng hóa. Bên cạnh đó, các khu đất sản xuất của địa phương có độ dốc tương đối lớn, trung bình trên 40%, rất hạn chế trong việc tìm ra loại cây trồng phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thu nhập cho nhân dân. Vì thế trong xây dựng NTM, chúng tôi còn gặp khó về thu nhập của nhân dân.
Giải pháp căn cơ tạo đột phá
Hiện nay, huyện Phù Yên còn 16 xã đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, hầu hết các xã đều là xã vùng III còn nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trên đất dốc với các loại cây lương thực ngắn ngày, đánh bắt thủy sản trên hồ thủy điện... Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 16 xã còn từ 35-38%.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hướng đến mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 4%/năm trong giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn được phân bổ. Trong đó, có phương án cân đối hỗ trợ sinh kế cho nhân dân. Gồm: Kế hoạch xóa nhà tạm cho các hộ nghèo; hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp cho các địa phương; xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho các địa phương có cơ hội phát triển, nhân dân thuận lợi hơn trong vận chuyển, trao đổi, mua bán hàng hóa. Qua đó, tạo tiền đề để các địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện đã triển khai rà soát đánh giá các tiêu chí, các chỉ tiêu. Trong đó, các tiêu chí cần tiếp tục được triển khai gồm có: Quy hoạch; giao thông; điện; nghèo đa chiều; nhà ở dân cư; lao động có việc làm; trường học... Ưu tiên đầu tư cho các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn về các tiêu chí thuộc nhóm cơ sở hạ tầng nông thôn, như nhà ở dân cư, giao thông và trường học, nhằm tạo đà đi lên cho các địa phương.
Trên cơ sở các nguồn vốn của Đề án 1460, nguồn vốn giảm nghèo thuộc Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ và Nghị quyết 88 của Quốc hội, huyện đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng của 9 xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình và 3 xã vùng cao còn nhiều khó khăn để triển khai đầu tư xây dựng và nâng cấp. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát điều kiện tự nhiên của các xã, nghiên cứu, đánh giá mức độ phù hợp của việc đưa một số loại cây dược liệu vào trồng dưới tán rừng. Hướng dẫn nhân dân lấy phát triển kinh tế rừng làm mũi nhọn, tạo thu nhập bền vững. Hỗ trợ các hộ dân đầu tư vốn mua cây giống lâm nghiệp để trồng rừng, với mức giá ưu đãi từ 1.500-2.000 đồng/cây.
Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả 1.000ha sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật, cách thức sản xuất hiện đại trong xây dựng thương hiệu nông sản nông sản an toàn. Hiện nay, các phương thức cải tiến kỹ thuật chủ yếu được áp dụng trong sản xuất như tưới nhỏ giọt đạt 192,7ha; phủ màng đất, sử dụng nhà màng cho một số loại rau, củ, quả đạt trên 7.300 m2. Từng bước vận động nhân dân xây dựng mô hình kinh tế tập thể, các trang trại sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn có thể áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Hành trình xây dựng NTM của Phù Yên phía trước còn nhiều gian khó. Với sự vào cuộc của cấp ủy, hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của nhân dân, phát huy công tác dân vận, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ, khơi dậy sức dân để làm các công trình phục vụ nhân dân... là cơ sở để thực hiện chương trình NTM, góp phần tạo diện mạo mới trên quê hương Phù Yên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!