Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tỉnh Sơn La kịp thời thể chế, ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân.
Hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH
Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, tính từ năm 2017-2022, trên địa bàn tỉnh, ngoài những trận lũ quét, sạt lở cục bộ, các lưu vực nhỏ đã xảy ra lũ quét, sạt lở nghiêm trọng trên diện rộng, nhất là tại các huyện Mường La, Phù Yên, Vân Hồ... gây thiệt hại nặng nề, làm chết 67 người, bị thương 78 người; 709 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 2.272 nhà phải di chuyển, tổng thiệt hại ước tính hơn 5.000 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị phù hợp với tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT). Hằng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành ưu tiên đưa các mục tiêu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; coi đây là nội dung bắt buộc, đảm bảo 100% các quy hoạch, kế hoạch đều tính đến mục tiêu BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.
Các cấp ủy đảng, các ngành thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về phòng, chống thiên tai, BVMT, ứng phó với BĐKH, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh tổ chức trên 500 lớp tập huấn, hội thảo với trên 20.000 lượt người tham gia. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT.
Những chuyển biến tích cực
Ứng phó với BĐKH, tỉnh ta tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, tăng khả năng thích ứng với BĐKH từng bước được áp dụng vào sản xuất thực tiễn. Đến nay, toàn tỉnh có 927 ha diện tích sản xuất có hệ thống tưới tiết kiệm nước; 53 ha diện tích nhà lưới, nhà kính; 5.917 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 8.217 ha diện tích sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ...
Phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, lực lượng kiểm lâm tập trung tuyên truyền nhân dân bảo vệ, đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; triển khai quyết liệt giải pháp bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên. Ông Lò Thế Thi, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh trồng mới 14.037,6 ha cây xanh, trong đó trồng 5,28 triệu cây phân tán các loại; khoanh nuôi tái sinh hơn 67.196 ha rừng. Công tác phát triển rừng được Tỉnh ủy chỉ đạo theo hướng gắn với chuỗi giá trị lâm nghiệp từ trồng tới chế biến, tiêu thụ lâm sản, phát triển cây đa mục đích trên đất lâm nghiệp, trọng tâm phát triển một số loại cây đặc sản mang hiệu quả kinh tế cao, như: Nhãn, xoài, sơn tra... Ngoài ra, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh với diện tích 3.617.05 ha cho 3 doanh nghiệp và 1 HTX.
Hạ tầng thủy lợi tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, góp phần BVMT, phòng, chống thiên tai và thúc đẩy phát triển nông nghiệp; hơn 400 công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa với tổng kinh phí trên 800 tỷ đồng, nâng diện tích được tưới chủ động lên 31.999 ha.
Tỉnh quan tâm chỉ đạo di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư những vùng thường xuyên bị tác động của lũ, bão và khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bố trí đầu tư các dự án phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống dân cư vùng thiên tai; thực hiện tái cơ cấu nông lâm sản vùng Chiềng Yên, Quang Minh, Xuân Nha, huyện Vân Hồ; các dự án thành phần thuộc Đề án 1460 được triển khai, cơ bản hoàn thành, ổn định đời sống nhân dân.
Đối với công tác bảo vệ môi trường, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin: Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Sơn La có 29 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, 100% cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm, không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.
Việc thực hiện tốt quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và BVMT, ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về đất đai, khoáng sản, môi trường. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm tài nguyên, đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Năm 2022, tỉnh Sơn La được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường.
Nâng cao chất lượng môi trường không khí khu vực dân cư, làng nghề và nông thôn, từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường không khí hàng năm. Hiện nay, toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; Thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và có 2 làng nghề Hồng Nam và Hải Sơn tại huyện Sông Mã; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đều đạt > 85%; tại khu vực làng nghề đảm bảo các yêu cầu quy định về BVMT trên 95%.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT, phấn đấu đến năm 2030, có 152/204 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường; thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị; 100% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học…
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT. Ban hành mới các quy định khuyến khích hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải; khuyến khích nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, chống rác thải nhựa; xây dựng mô hình BVMT có sự tham gia của cộng đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm căn cứ triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!