Việc quản lý tiêu thụ, sử dụng số lâm sản sau phát mại đang bộc lộ nhiều bất cập, lỗ hổng, bởi không có dấu hiệu nhận dạng đâu là lâm sản phát mại; do đó, một số đối tượng sử dụng bộ hồ sơ lâm sản phát mại quay vòng, hợp thức hóa lâm sản khai thác trái phép.
Hàng trăm thớt nghiến vết xẻ mới….
Hơn một năm nay, từ nguồn tin của nhân dân về việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu rừng bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai mà trước đó chúng tôi đã có bài “Rừng bản Bon đang bị xâm hại” đăng trên Báo Sơn La điện tử ngày 1/5/2022 (https://baosonla.org.vn/vi/bai-viet/rung-ban-bon-dang-bi-xam-hai-49803), phóng viên Báo Sơn La tiếp tục nhiều lần thâm nhập, theo dõi, nhưng nơi này, các đối tượng lợi dụng sự cô lập về địa hình, cách xa khu dân cư, vận chuyển lâm sản bằng đường sông, với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, bố trí cảnh giới nhiều vòng, nên mỗi lần tiếp cận, đều bị lâm tặc phát hiện, tẩu tán tang vật kịp thời.
Tháng 3/2024, chúng tôi cùng lực lượng Kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu và Đội cơ động số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lắp đặt camera theo dõi ngay cửa rừng. Qua theo dõi, phát hiện cứ 1-2 ngày, lại có từng tốp xe máy được vận chuyển bằng thuyền qua sông, rồi đi từ bờ sông vào trong rừng, mặc dù đó là khu rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu, chứ không phải khu rừng sản xuất. Từ vị trí nơi cửa rừng này, cách khoảng 15 km, là rừng gỗ nghiến giáp ranh giữa tỉnh Điện Biên với Sơn La.
Đầu tháng 6/2024, chúng tôi tiếp tục nhận được tin báo "lâm tặc" hoạt động trở lại, sẽ vận chuyển lâm sản ra thuyền đi tiêu thụ. Nhóm này gồm một tốp 6 người, di chuyển bằng thuyền từ bến phà Pá Uôn, huyện Quỳnh Nhai, đến lối vào khu rừng gỗ nghiến.
Thật trùng hợp khi trước đó 3 ngày, không hiểu lý do tại sao, camera mà nhóm phóng viên cùng với lực lượng kiểm lâm gắn trong rừng bị mất tín hiệu, mặc dù đây là thiết bị tốt, chạy bằng năng lượng mặt trời, có khả năng chịu được nắng, mưa và được giấu ở vị trí rất kín đáo. Ngay khi nhận được tin báo, chúng tôi lập tức thâm nhập hiện trường để theo dõi các đối tượng nói trên, nhưng do thời gian di chuyển từ thành phố Sơn La vào đến xã Mường Chiên quá xa, phải di chuyển bằng thuyền từ cầu Pá Uôn, nên khi đến nơi, tang vật đã bị tẩu tán. Quay lại điểm lắp đặt camera, phát hiện máy đã bị tháo dỡ.
Đến ngày 29/7, tiếp tục nhận nguồn tin của nhân dân, “lâm tặc” chuẩn bị vận chuyển số lượng lớn lâm sản ra các thuyền nhỏ, gom về một chiếc tàu lớn đang neo đậu trên sông. Người dẫn đường cho biết: Số lâm sản được lâm tặc gom từ nhiều ngày nay. Đến hôm nay, số lượng lâm sản chiếm khoảng 1/3 tàu lớn đang neo đậu khuất sau một đảo đá, cách cửa rừng vài trăm mét.
Sau khi phóng viên cùng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Phòng Cảnh sát kinh tế - Môi trường, Công an tỉnh tiếp cận tàu, xác nhận trên tàu có hàng trăm miếng gỗ nghiến tròn dạng thớt xếp ngay ngắn. Bằng con mắt trực quan, đại diện cơ quan chức năng nhận định, hàng trăm cái thớt có vết xẻ mới tinh, còn đậm mùi gỗ mới. Ngoài ra, trên tàu còn có máy cưa, máy phát điện, đồ dùng sinh hoạt, phục vụ cuộc sống dài ngày trên sông.
… nhưng vẫn thuộc hồ sơ phát mại cũ
Khi các lực lượng Kiểm lâm và Công an tỉnh đang kiểm tra, một người đàn ông tự xưng là Trần Xuân Trường, đi trên một chiếc thuyền nhỏ tiến đến và nhận là lái tàu. Lực lượng chức năng yêu cầu chủ phương tiện xuất trình giấy tờ liên quan đến số gỗ trên, ông Trường cho biết: Tôi là người lái tàu do ông Phạm Thanh Bình thuê chở 459 lóng gỗ nghiến tròn, đã giao cho tôi 3 bộ hồ sơ nguồn gốc lâm sản.
Bộ hồ sơ do ông Trần Xuân Trường xuất trình, gồm: Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản số 32/2016/HĐMBTS ngày 24/6/2016, của bà Phạm Thị Hương, người trúng đấu giá lâm sản của Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, với 1 lô 1.585 cái gỗ nghiến tròn (gỗ quý hiếm, nhóm IIA), tương ứng 9,260 m3 và được chuyển nhượng cho ông Phạm Thanh Bình, trú tại thôn 2, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, theo giấy chuyển nhượng ngày 28/8/2019. Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản số 02/2021/HĐMB ngày 31/3/2021, giữa Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai và ông Nguyễn Văn Thái, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, với 4,654 m3 gỗ các loại, được chuyển nhượng cho ông Phạm Thanh Bình ngày 5/6/2021. Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản số 03/2021/HĐMB ngày 20/5/2021, giữa Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai và bà Phạm Thị Cúc, xóm 4, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, với 5,390 m3 gỗ các loại, chuyển nhượng cho ông Phạm Thanh Bình ngày 5/6/2021.
Tại vị trí phát hiện tàu chở gỗ thớt nghiến, lực lượng chức năng gọi điện cho ông Phạm Thanh Bình và được giải thích đây là số thớt mua phát mại từ năm 2021, do chưa bán hết nên ông Bình thuê người chở thớt trên tàu đi bán dọc sông trên địa phận xã Mường Chiên. Trong khi đó, nơi neo thuyền bán thớt lại được che kín và nằm khuất sau đảo đá, đối diện bên kia bờ sông của bản Bon, xã Mường Chiên.
Điểm bất thường ở chỗ tại sao số thớt này đã trải qua 3 năm, đã từng nằm trong kho của kiểm lâm rồi mới phát mại, nhưng vết xẻ lại mới tinh và mùi gỗ mới còn đậm đặc. Theo kinh nghiệm những người dẫn đường, để gỗ thớt nghiến không bị nứt thì phải trải qua quá trình ngâm trong nước với thời gian dài, khi đó gỗ sẽ chuyển sang màu thẫm, không còn mùi gỗ mới nữa thì mới có thể dùng được.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản, kiểm đếm số gỗ trên và quay về xã Tông Lạnh làm việc với ông Phạm Thanh Bình. Tại đây, ông Bình cho biết, ông vẫn còn rất nhiều bộ hồ sơ liên quan đến khoảng 20.000 cái thớt nghiến phát mại được cất giữ ở các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh khác, mà chưa bán hết được.
Ngày 31/7, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 mời ông Bình đến làm việc tại trụ sở của đội, để làm rõ số gỗ thớt trên. Sau khi làm việc, do không xác minh được thời điểm, vị trí xẻ lô thớt trên tàu và không xác nhận được nguồn gốc, không nhận dạng được số gỗ trên có đúng với số gỗ đã phát mại được ghi trong hồ sơ, nên số thớt trên được lực lượng chức năng xác định là “hợp pháp”. Ông Bình chỉ bị phạt hành chính 3,5 triệu đồng về hành vi vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển 459 lóng gỗ nghiến dạng thớt.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1, cho biết: Theo quy định, hồ sơ hàng lâm sản phát mại có thời hạn là 5 năm, nhưng khi người trúng đấu giá chưa tiêu thụ hết số lâm sản phát mại thì không thể hủy được hồ sơ. Vấn đề này không riêng gì tỉnh Sơn La, mà tất cả các tỉnh có gỗ nghiến đều thấy bất cập và đã có kiến nghị với cấp trên để có giải pháp phù hợp.
Cùng với đó, hiện nay, không có cơ sở nào đánh giá đâu là gỗ mới, đâu là gỗ cũ; mặc dù nhìn vào số hàng lâm sản là rất mới, nhưng khi áp hồ sơ đúng, đủ kích thước, thì chỉ có thể kiểm tra các thủ tục và lập bảng kê số lâm sản đó.
Cần sớm khắc chế thực trạng quay vòng hồ sơ
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho rằng: Hồ sơ lâm sản hợp pháp khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển trong nước được quy định cụ thể tại Điều 18, Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (được sửa đổi, bổ sung năm 2023), đã cụ thể hóa các nội dung được giao tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm của Chính phủ; tạo điều kiện thông thoáng trong trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, thương mại nội địa hoặc xuất khẩu.
Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính (Bãi bỏ thủ tục đóng dấu búa Kiểm lâm theo Quyết định số 44/2006/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT), chủ lâm sản tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn gốc lâm sản, cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, dẫn đến một số đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật, sử dụng hồ sơ lâm sản quay vòng nhiều lần, nhằm hợp thức hóa gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, gian lận trong thương mại. Đây là vướng mắc không chỉ đối với tỉnh Sơn La, còn là vướng mắc chung của các tỉnh có loài cây gỗ nghiến, như: Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn...
Cũng theo ông Tuấn, Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định, chủ cơ sở chế biến, mua bán, cất giữ lâm sản có trách nhiệm lập sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản; ghi đầy đủ nội dung vào sổ ngay sau khi nhập, xuất lâm sản. Tuy nhiên, khi áp dụng trong thực tế còn nhiều bất cập, do việc ghi chép phụ thuộc vào ý thức chủ quan của chủ cơ sở; nhiều cơ sở không tự giác ghi chép hoặc ghi chép không đầy đủ khối lượng xuất nhập, nhằm mục đích quay vòng hồ sơ lâm sản để trục lợi bất hợp pháp. Song hiện nay, chế tài xử phạt hành vi này rất thấp, từ 1-2 triệu đồng theo điểm a, khoản 2, Điều 24, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP. Vì vậy, các đối tượng thường chấp nhận mức xử phạt; càng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản, chứng minh hành vi vi phạm. Do đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị tăng chế tài xử phạt hành vi này, đảm bảo tính răn đe.
Qua vụ việc trên đã khẳng định rõ những bất cập trong việc quản lý lâm sản phát mại. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp, chế tài cụ thể để sớm chấm dứt việc lợi dụng kẽ hở pháp luật quay vòng hồ sơ, làm thất thu thuế của Nhà nước và để những cánh rừng không bị tàn phá.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!