Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Nhựa sinh học - Hướng đi tất yếu trong chuyển đổi xanh

Trong bối cảnh Việt Nam tăng tốc thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc chuyển đổi vật liệu từ nhựa truyền thống sang các giải pháp xanh, phân hủy sinh học đang trở thành xu hướng tất yếu.

Các sản phẩm của Thành Long Bioplastic được sản xuất từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp.
Các sản phẩm của Thành Long Bioplastic được sản xuất từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp.

Với lợi thế sở hữu nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành nhựa sinh học theo hướng tuần hoàn, giảm ô nhiễm, đồng thời gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ phụ phẩm nông nghiệp đến vật liệu của tương lai

Rác thải nhựa là bài toán nan giải không chỉ với Việt Nam mà còn với toàn cầu. Dù nhiều giải pháp tái chế đã được triển khai, lượng rác chưa xử lý vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam tạo ra hơn 45 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu, bẹ ngô, bã mía, xơ dừa, vỏ cà-phê…, phần lớn bị đốt bỏ hoặc chôn lấp, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Chuyển đổi cách tiếp cận, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực “biến rác thành vàng”, phát triển công nghệ chuyển hóa phụ phẩm thành nhựa sinh học, loại vật liệu có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn, thay thế dần nhựa truyền thống từ dầu mỏ.

Là thành viên của hệ sinh thái nông nghiệp gắn với ngành cà-phê, Thành Long Bioplastic sở hữu lợi thế tiếp cận trực tiếp nguồn phụ phẩm nông nghiệp khổng lồ như vỏ trấu cà-phê, phụ phẩm từ ngô, sắn, tre…

Thay vì để những phế phẩm này bị lãng phí hay gây ô nhiễm, Thành Long Bioplastic thu mua lại, vừa tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân, vừa góp phần giải quyết bài toán rác thải tại nguồn. Từ đó, Thành Long Bioplastic chuyển hóa những phụ phẩm này thành hạt nhựa compound sinh học, vật liệu có nguồn gốc sinh học rõ ràng và khả năng phân hủy, không để lại vi nhựa trong môi trường.

Công ty đầu tư công nghệ phối trộn hiện đại, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để tạo ra các dòng hạt compound phù hợp cho nhiều ứng dụng: bao bì, dao, muỗng, ống hút, sản phẩm tiêu dùng thân thiện...

Mục tiêu của Thành Long Bioplastic là giúp khách hàng dễ dàng chuyển đổi sang vật liệu bền vững mà vẫn bảo đảm hiệu suất sản xuất và tính kinh tế.

Cũng theo đuổi con đường “sinh học hóa” vật liệu, doanh nghiệp khởi nghiệp BUYO Bioplastics sản xuất nhựa sinh học từ bã mía và bã bia. Sản phẩm có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên sau 3 đến 12 tháng.

Không chỉ an toàn với môi trường và sức khỏe, loại nhựa này vẫn bảo đảm công năng sử dụng với mức giá cạnh tranh. Ngoài ra, quy trình sản xuất còn tiết kiệm năng lượng và hạn chế phát thải khí nhà kính.

Một hướng đi khác đến từ AirX Carbon với sản phẩm pallet công nghiệp làm từ vỏ dừa và trấu. Pallet, vật dụng không thể thiếu trong ngành logistics, nay được sản xuất theo công nghệ NetZero Pallet, có khả năng chịu tải 5 tấn, giảm 20-50% chi phí, tiết kiệm 70% diện tích lưu trữ và tăng hiệu quả vận chuyển tới 300%.

Sáng kiến này không chỉ giải bài toán môi trường mà còn nâng cao hiệu suất chuỗi cung ứng, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Những mô hình trên cho thấy, nếu được đầu tư đúng hướng, phế phẩm nông nghiệp hoàn toàn có thể trở thành nền tảng cho một ngành công nghiệp mới, công nghiệp vật liệu xanh.

Cơ hội rộng mở, thách thức không nhỏ

Việt Nam tiêu thụ khoảng 12 tỷ USD sản phẩm nhựa mỗi năm. Nếu thay thế bằng nhựa sinh học, nước ta có thể cắt giảm khoảng 12 triệu tấn CO2, tương đương giá trị tiết kiệm ước tính 60 triệu USD/năm. Tuy nhiên, nhựa sinh học vẫn chưa thể bứt phá do nhiều rào cản về chi phí và chính sách. Cụ thể, giá thành nhựa sinh học cao hơn 1,5 đến 2 lần so với nhựa truyền thống, trong khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm thân thiện với môi trường.

Việc thiếu các chính sách bắt buộc hoặc ưu đãi cụ thể khiến doanh nghiệp chưa có động lực đủ lớn để chuyển đổi. Hiện vẫn chưa có lộ trình rõ ràng cắt giảm nhựa thông thường hay chế tài hiệu quả với sản phẩm gây ô nhiễm.

Trước thực trạng đó, BUYO Bioplastics đang mở rộng quy mô sản xuất và cải tiến công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bà Đỗ Hồng Hạnh, CEO và đồng sáng lập BUYO Bioplastics cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu sang châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, những thị trường có tiêu chuẩn “xanh” ngày càng khắt khe. Trong bối cảnh EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước siết chặt quy định môi trường với hàng nhập khẩu, nhựa sinh học được xem là “tấm hộ chiếu các-bon thấp” giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, nhựa sinh học còn giúp nâng cao thương hiệu, giảm rủi ro môi trường, tối ưu chi phí dài hạn và thể hiện trách nhiệm xã hội. Theo các chuyên gia, để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt cần chủ động đầu tư công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường hợp tác với đối tác cùng định hướng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy tiêu dùng xanh trong đời sống, nhất là tại đô thị, siêu thị, nhà hàng, trường học…

Trước thách thức chi phí, Thành Long Bioplastic không ngừng tối ưu hóa sản xuất để giảm giá thành, đưa nhựa sinh học trở thành giải pháp kinh tế hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO Thành Long Bioplastic chia sẻ: “Với lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu và công nghệ hiện đại, Thành Long Bioplastic tự tin tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng thị trường. Chúng tôi tin rằng, nhựa sinh học không chỉ giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới mà còn là cam kết của chúng ta vì một Việt Nam xanh và bền vững, góp phần tiến gần hơn tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.

Để ngành nhựa sinh học phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào nỗ lực của doanh nghiệp mà cần hệ sinh thái đổi mới toàn diện, từ chính sách, hạ tầng, tài chính, đến giáo dục và thị trường. Việc đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo về vật liệu xanh, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu từ viện, trường đến doanh nghiệp, xây dựng “cụm công nghiệp xanh” chuyên về vật liệu phân hủy sinh học… sẽ tạo lực đẩy thực chất cho quá trình chuyển đổi.

Về chính sách, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia kiến nghị cần sớm ban hành hành lang pháp lý đặc thù cho vật liệu sinh học, áp dụng thuế môi trường với nhựa truyền thống, có lộ trình bắt buộc cắt giảm, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp dùng nguyên liệu sinh học hoặc đạt chứng chỉ bền vững quốc tế; đồng thời, hỗ trợ chi phí thử nghiệm, thuê mặt bằng tại khu công nghiệp xanh…

Các doanh nghiệp kỳ vọng chính sách sắp tới sẽ đưa tiêu chí “xanh” vào chương trình khởi nghiệp, xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, tạo điều kiện ưu tiên cho sản phẩm thân thiện môi trường. Việc chuyển đổi vật liệu không chỉ góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường mà còn mở ra hướng đi mới cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới