Thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu; tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn, bởi các đối tượng có hành vi tham nhũng với nhiều thủ đoạn và thường được che giấu dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội và cán bộ, công chức, viên chức, người dân còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm và tham nhũng. Trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là khâu tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Có những đơn vị buông lỏng quản lý, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Trước yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải bảo đảm nghiêm túc, thường xuyên liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức, các cấp, các ngành, huyện, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể ở từng lĩnh vực, công việc, vị trí việc làm còn nhiều kẽ hở, cơ hội dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, cơ quan báo chí tham gia phát hiện, tố giác những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp nhận và chỉ đạo giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của công dân ngay từ cơ sở. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ.
Chấn chỉnh công tác quản lý, thực hiện nghiêm quy chế văn hóa công sở, giờ làm việc; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu thiếu trách nhiệm, không sát sao, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tập trung rà soát thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã phường, thị trấn theo hướng tinh giản, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian. Nâng cao chất lượng đối thoại với người dân, doanh nghiệp theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật (nếu có).
Công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, đường dây nóng và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong quá trình giải quyết công việc. Công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy vai trò trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động kiểm tra thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra đột xuất nhằm sớm phát hiện những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, thái độ không đúng mực... Phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin (pháp luật không cấm) để có những đóng góp xây dựng, phản ánh những hạn chế, tiêu cực do đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gây ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!