Cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Theo hồ sơ các vụ án, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường trong độ tuổi từ 14-30; sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, hạn chế nhận thức về pháp luật, xã hội, éo le về hoàn cảnh gia đình... Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng buôn bán người đã lợi dụng mạng xã hội để làm quen và lừa bán các nạn nhân.

Công an huyện Phù Yên lấy lời khai của đối tượng Sùng A Tú.

Em Vàng Thị G và Vàng Thị L đều sinh năm 2000, thường trú ở bản Suối On, xã Kim Bon (Phù Yên) được bố đưa xuống Công an huyện Phù Yên để lấy lời khai của người bị hại trong vụ án giải cứu mua bán người do Bộ đội Biên phòng Lào Cai mới trao trả người cho Công an huyện Phù Yên. Qua câu chuyện được biết, G và L là hai chị em họ hàng; học hết lớp 2 thì ở nhà làm nương; qua mạng xã hội facebook, G có quen hai người bạn trai ở Lào Cai; sau 1 tháng nhắn tin, gửi ảnh, hai người bạn đã rủ G và L lên Lào Cai chơi để ra mắt gia đình. Đến gần khu vực biên giới, “người yêu qua ảnh” của G nói dối là bận ko ra đón được, hướng dẫn G và L làm thủ tục qua biên giới để đón gặp bên Trung Quốc. Rất may khi đến cửa khẩu thì hai em được lực lượng biên phòng phát hiện và giải cứu, hai chàng “người yêu qua mạng” cũng tắt liên lạc và cao chạy xa bay. Từ khi quen và đến khi được bộ đội biên phòng giải cứu, G và L vẫn chưa từng được gặp “người yêu”. Sự ngây thơ, cả tin của hai cô gái mới lớn, nhìn hai ông bố quần áo lấm lem bùn đất, ngồi bần thần chờ đón con, khuôn mặt đầy lo lắng, khiến cho trường hợp của G và L đáng thương hơn đáng trách. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn, thiếu hiểu biết pháp luật mà hai em suýt chút nữa đã là miếng mồi ngon cho những kẻ buôn bán người.

Tôi được bố trí gặp bị can Sùng A Tú, sinh năm 1998, trú tại bản Lũng Khoai A, xã Suối Tọ (Phù Yên) và Hạng A Dua, sinh năm 1996, trú tại bản Háng C, xã Làng Chếu (Bắc Yên) là hai đối tượng trong một vụ mua bán người vừa được Công an huyện Phù Yên triệt phá. Hai bàn tay nắm chặt, khuôn mặt lấm lét nhìn mọi người, Tú kể lại quá trình lừa bán Thào Thị M, ở bản Chát B, xã Suối Bau (Phù Yên): Do quen biết, ngày 20/8/2018, Sồng A Tú liên lạc qua điện thoại với  Hạng A Dua bàn bạc đưa chị M sang Trung Quốc để tìm chồng, trên thực tế là đưa chị M sang Trung Quốc để bán lấy tiền (chị M đã có 1 đời chồng). Dua điện thoại rủ M xuống phố huyện chơi, sau đó đi ăn tối, uống nước và hôm sau cả hai đưa M bắt xe khách từ Phù Yên đi Lào Cai. Đến bến xe Lào Cai, Tú điện thoại cho 1 người phụ nữ Trung Quốc và thống nhất khi đưa được chị M sang Trung Quốc sẽ được nhận 7.000 nhân dân tệ. Theo sự hướng dẫn của người phụ nữ này, Tú và Dua đã đưa được chị M vượt biên theo đường tiểu ngạch và giao cho 1 người đàn ông Trung Quốc. Sau khi nhận tiền, Tú và Dua về Việt Nam, đến ngày 27/8/2018 thì bị Công an huyện Phù Yên bắt giữ do chị M trốn được về Việt Nam tố cáo hành vi của Tú và Dua với cơ quan Công an.

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Công an huyện Phù Yên được biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình buôn bán người ở huyện Phù Yên diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ án, nhiều vụ việc. Các đối tượng lợi dụng chủ yếu là tập quán bắt vợ, mạng xã hội; phương thức thủ đoạn liên lạc qua điện thoại di động, mạng zalo, facebook để dụ dỗ chị em phụ nữ sang các tỉnh biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc để thực hiện hành vi mua bán người. Các đối tượng tập trung chủ yếu vào số phụ nữ người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông, trình độ văn hóa còn hạn chế rủ sang khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc giáp Trung Quốc để làm thuê và có điều kiện lấy chồng, hứa hẹn không lấy được chồng thì có thể quay trở về. Các đối tượng chủ yếu dùng mạng xã hội, nhiều số điện thoại để liên lạc với số phụ nữ này, thường xuyên thay đổi số liên lạc, không đến đón trực tiếp, mà gửi tiền qua bưu điện, thuê xe taxi hoặc thuê các xe khách cho những phụ nữ này tự đi từ huyện Phù Yên sang các tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc, sau đó sẽ đón và thực hiện hành vi bán người. Trong thời gian qua, Công an huyện Phù Yên xác lập và phá thành công 2 chuyên án, bắt giữ 4 đối tượng về hành vi mua bán người, giải cứu an toàn 3 nạn nhân.

Trước tình hình mua bán người diễn biến phức tạp, Công an huyện Phù Yên đã chủ động tham mưu cho UBND huyện trực tiếp ban hành kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, thông báo về các phương thức thủ đoạn buôn bán người cho đồng bào, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Mông ở các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Phối hợp với hội phụ nữ các cấp tổ chức các hội nghị tuyên truyền lồng ghép nội dung phát triển KT - XH với phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn; chỉ đạo lực lượng công an phụ trách xã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và phối hợp với cơ quan điều tra phát hiện và xử lý các đối tượng có các biểu hiện nghi vấn hoạt động buôn bán người trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an các tỉnh thông báo, thông tin về phương thức thủ đoạn, đặc điểm nhận dạng về các mối quan hệ với mỗi nạn nhân để kịp thời giải cứu nạn nhân và truy bắt các đối tượng có hành vi mua bán người...

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.