Trên địa bàn toàn tỉnh có 2.505 tổ hòa giải cơ sở, với 14.947 hòa giải viên. Sau 3 năm (2019-2022) triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” trên địa bàn tỉnh, các tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn đi vào hoạt động nề nếp; thành viên tổ hòa giải có năng lực, uy tín; tỷ lệ hòa giải các vụ mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở thành công đạt 86%; ý thức tự tôn, chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo kéo dài và vượt cấp, góp phần giữ gìn đoàn kết trong khu dân cư, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.
Thành viên Tổ hòa giải bản Púm, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng.
Ông Quàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát, củng cố kiện toàn tổ hòa giải cơ sở theo quy định; chỉ đạo Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch và tổ chức 5 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng với sự tham gia của hơn 1.100 đại biểu; chủ trì, biên soạn các tài liệu về kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong các lĩnh vực: Tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự, bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình... Đồng thời, phát hành 18.000 tờ gấp tuyên truyền về hòa giải cơ sở; biên soạn 50 tình huống giải đáp pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở để các ngành thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, UBND các huyện, thành phố khai thác, sử dụng, phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể của tỉnh, huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của huyện, qua internet và mạng xã hội Zalo, Facebook... thành lập các nhóm Zalo từ huyện đến cơ sở; lồng ghép phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật mới đến nhân dân.
Giai đoạn 2019-2022, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận, giải quyết thành công 5.903/6.864 vụ việc, đạt tỷ lệ 86%. Qua các hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài. Các vụ mâu thuẫn, xích mích cần hòa giải chủ yếu liên quan về đất đai; mâu thuẫn do quan niệm sống, lối sống trong gia đình; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong dân sự, hôn nhân gia đình. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở khi được hòa giải, giải quyết kịp thời, góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp.
Tổ hòa giải bản Púm, xã Pá Ma Pha Khinh tuyên truyền PBGDPL cho người dân.
Trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 109 tổ hòa giải cơ sở, giai đoạn 2019-2022, các tổ đã hòa giải thành công 288/313 vụ việc. Anh Điêu Chính Ngoãn, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải bản Púm, xã Pá Ma Pha Khinh, nói: Tổ có 9 thành viên, gồm Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, công an viên và bản đội trưởng. Các thành viên tổ hòa giải đã tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới... cho nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt, họp bản. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, từ năm 2019 đến nay, trong bản không xảy ra vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, không có tình trạng đơn thư, tố cáo, khiếu nại.
Do điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng anh Tòng Văn Đ. và chị Cà Thị C., ở bản Hán, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, thường xuyên xảy ra xích mích. Nắm được tình hình, các thành viên tổ hòa giải của bản đã đến khuyên giải, động viên. Anh Đ. chia sẻ: Sau khi tổ hòa giải đến nói chuyện và chỉ ra những điều phải, trái, vợ chồng tôi đã cùng nhau sửa đổi, chia sẻ với nhau nhiều hơn, từ đó hiểu nhau hơn. Bây giờ, vợ chồng hòa thuận, tập trung làm kinh tế, chăm lo việc học cho các con.
Với việc duy trì đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!