Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền pháp luật của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân khu vực biên giới. Từ đó, làm giảm đáng kể các hành vi vi phạm pháp luật; giữ vững trật tự an toàn xã hội, ổn định an ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành và các huyện biên giới tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hiệp định, Quy chế khu vực biên giới, Luật Biên giới quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm, các đồn biên phòng đã triển khai 192 lần, với 576 lượt cán bộ về cơ sở nắm tình hình. Phối hợp với địa phương và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, xã biên giới, lực lượng vũ trang, tổ chức 716 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 11.100 lượt người.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đinh Văn Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, cho biết: Đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an, các đoàn thể tổ chức các cuộc tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Hướng dẫn bà con giữ bí mật thông tin cá nhân, không chia sẻ những hình ảnh, bài viết hay video clip tiêu cực; không xuyên tạc, lôi kéo, kích động người khác phạm tội trên không gian mạng. Chúng tôi còn trực tiếp sử dụng điện thoại phân tích, hướng dẫn để nhân dân nhận biết thông tin chính thống, giúp bà con cách nhận biết thủ đoạn của các đối tượng xấu để không bị lợi dụng.
Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh còn phối hợp với các địa phương củng cố, nâng cấp tủ sách pháp luật tại các đồn biên phòng. Hàng năm, số đầu sách được bổ sung, luân chuyển đúng hướng dẫn của cấp trên. Việc quản lý tủ sách, ngăn sách pháp luật phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, 10/10 đồn biên phòng, 17/17 xã biên giới có “Tủ sách pháp luật”. Các đồn biên phòng còn phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, xã biên giới tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập, củng cố và duy trì hoạt động 309 tổ hòa giải; 17 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 131 báo cáo viên cấp huyện, 232 báo cáo viên cấp xã, 318 tuyên truyền viên cơ sở...
Thượng tá Đỗ Văn Đông, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi gắn tuyên truyền miệng với tổ chức cho nhân dân xem video, hình ảnh trực quan, sinh động, qua đó cảnh giác trước những thông tin sai sự thật, không vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết. Đồng thời, phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng loa biên phòng” tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường chính về các bản, cụm dân cư kết hợp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp với hình ảnh minh họa ấn tượng, dễ nhớ tại các cuộc họp bản.
Ông Vì Văn Pấng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản A La, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, cho biết: Các nội dung do bộ đội biên phòng tuyên truyền luôn gần gũi, phù hợp với đời sống nhân dân, giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều quy định pháp luật, nhất là các quy định về bảo vệ đường biên, mốc giới, phòng chống tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, cấm chặt phá rừng… Nhân dân trong bản bảo nhau chấp hành tốt pháp luật; kịp thời thông tin đến bộ đội biên phòng những trường hợp khả nghi hoặc các vụ việc vi phạm quy định pháp luật.
Từ khi internet phủ sóng đến bản, anh Tòng Văn Dũng, bản Phổng, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, chia sẻ: Tôi xem và thấy tin nào hay thì chia sẻ cho mọi người cùng đọc. Nhiều thông tin chia sẻ tôi cũng không biết có vi phạm quy định trong việc sử dụng mạng xã hội hay không. Từ khi được cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh tuyên truyền, tôi và bà con dần biết được nội dung gì nên xem, theo dõi và được chia sẻ, nội dung nào không nên chia sẻ để không vi phạm pháp luật.
Bằng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả, nhân dân khu vực đã hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chấp hành đúng quy định của pháp luật, giữ gìn biên giới quốc gia, bảo vệ đường biên mốc giới, góp phần cùng lực lượng biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, phát triển toàn diện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!