Tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân tộc và công tác dân tộc

Tỉnh ta có địa bàn rộng, giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng. Tại một số địa bàn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ nhân quyền và việc triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh để kích động chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết; một số tệ nạn xã hội, loại tội phạm hoạt động tinh vi, liều lĩnh.

                                 

Hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường Cao đẳng Y tế Sơn La.

           

Trên địa bàn tỉnh, phần lớn các dân tộc thiểu số sống ở khu vực nông thôn, vùng cao và biên giới, có kinh tế chậm phát triển; còn tồn tại một số tập quán, hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, các địa bàn này là khu vực trọng điểm về an ninh - quốc phòng, nơi các thế lực thù địch dễ lợi dụng để tuyên truyền, kích động, lôi kéo nhân dân tham gia các hoạt động, nhằm phục vụ cho mưu đồ phá hoại của chúng.

           

Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật, về dân tộc và công tác dân tộc. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Đến nay, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh có hơn 30 thành viên; đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có trên 100 người, là những cán bộ, công chức pháp chế của các sở, ban, ngành, có năng lực, nhiệt tình với công việc, được kiện toàn theo hướng gọn, nhẹ và đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Tổng số báo cáo viên pháp luật ở cấp huyện, thành phố có hơn 130 người, thuộc các phòng, ban chuyên môn của huyện, các tổ chức đoàn thể, cơ quan tuyên giáo, phòng giáo dục - đào tạo, công an, tư pháp... Bên cạnh đó, 204 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn có hơn 450 người; tuyên truyền viên cấp xã, phường, thị trấn có khoảng 3.200 người, gồm: Cán bộ tư pháp - hộ tịch và cán bộ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín.

           

Trong những năm qua, tỉnh đã phối hợp với Ủy ban dân tộc, Học viện Dân tộc tổ chức nhiều chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức góp phần, cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng vận dụng, thi hành pháp luật. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền, thiếu kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, đánh giá. Trình độ pháp luật của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng đều. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

           

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân tộc và công tác dân tộc là hết sức cần thiết, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời và đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan đến đời sống của nhân dân các dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nâng cao ý thức, nhận thức về quyền và nghĩa vụ trong việc chấp hành pháp luật, góp phần phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của nhà nước và xã hội.

           

Vũ Thị Hoa (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới