Những ngày qua nhiều thông tin liên quan đến tình hình tranh chấp đất đai tại dự án King Sea Phan Thiết của Công ty Đại Thanh Quang, tại xã Tiến Thành, Thành phố Phan Thiết, trong đó có nội dung về việc “Trùm Thảo "lụi" sa lưới, côn đồ gây rối, chiếm đất vẫn thách thức ở Bình Thuận”.
Thông tin này làm nhiều nhà đầu tư suy nghĩ Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng có “băng nhóm, giang hồ”. Bài viết này, cung cấp thêm thông tin để bạn đọc hiểu rõ Phan Thiết không tồn tại “giang hồ”.
Phức tạp từ việc chưa thống nhất thỏa thuận đền bù
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, ngày 27/10/2004, UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư xây dựng dự án khu du lịch Hố Lở tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết không quá 86 ha (nay là dự án King Sea Phan Thiết). Trong đó diện tích đất này có đất hợp pháp của các hộ dân, Công ty Đại Thanh Quang phải thỏa thuận bồi thường để lấy đất thực hiện dự án. Nhưng thực tế tại thời điểm này, trong đất dự án có một số người dân mua đất bằng giấy tay và bao chiếm, trồng cây nhưng chưa thống kê giải quyết trước khi cấp đất cho Công ty Đại Thanh Quang.
Công ty Đại Thanh Quang đã đền bù và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất trên 80% tổng diện tích đất, nhưng vẫn còn một phần đất của dân đang sở hữu (đã được cấp sổ đỏ) nằm trong dự án chưa được thỏa thuận đền bù. Cụ thể là đất của gia đình ông Nguyễn Đức Hùng, ông Nguyễn Hồng Việt. Ngoài ra có một số đất của người mua lại của người dân địa phương nhưng bằng hình thức giấy viết tay, tính pháp lý chưa rõ ràng, chưa được cấp sổ đỏ nhưng họ cũng đã rào, trồng cây trên đất, trong đó có Nguyễn Văn Thảo (Thảo lụi), sinh năm 1965 thường trú khu phố 2, Xuân An, Phan Thiết...
Mặc dù đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2006, tuy nhiên, Công ty Đại Thanh Quang chưa tác động đến dự án mà nhiều lần thay đổi chủ đầu tư (15 lần) và đến năm 2022 thì công ty mới bắt đầu tác động vào đất dự án (rào đất). Lúc này các hộ dân có đất hợp pháp chưa thỏa thuận đền bù, cũng như một số hộ dân có đất mua bán tính pháp lý chưa rõ ràng, chưa được cấp “sổ đỏ” nằm trong tổng diện tích đất của dự án đã ngăn cản không cho Công ty Đại Thanh Quang rào đất và yêu cầu phải thương lượng để đền bù thỏa đáng. Và sau đó, cứ mỗi lần công ty rào đất, thì số người dân có đất lại kéo người nhà ra ngăn cản, dẫn đến hai bên mâu thuẫn cự cãi, phá bỏ hàng rào, gây mất ANTT, nhưng chưa xảy ra đánh nhau hoặc gây thương tích.
Không có chuyện băng nhóm giang hồ, xã hội đen “trấn lột”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi có vụ việc tranh chấp xảy ra, chính quyền địa phương đều có mặt kịp thời để giải quyết và sau đó họ tự giải tán. Để giải quyết ổn định tình hình trên, các ngành chức năng, nhất là lực lượng Công an tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Phan Thiết và các ngành liên quan vào cuộc giải quyết, xong kết quả chưa dứt điểm được, vì phía công ty và các hộ dân có đất trong dự án chưa thống nhất với nhau phương án, giá tiền bồi thường và có được đền bù hay không (đối với các hộ dân có đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Cùng thời gian này, Công an tỉnh Bình Thuận chủ trì phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) vào cuộc để giải quyết một số đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân về hành vi “Hủy hoại tài sản” của một số đối tượng hình sự do Thảo “lụi” cầm đầu và đã bắt tạm giam đối tượng này.
Một điều trùng hợp là Thảo “lụi” cũng là “cò” bất động sản nên ở giai đoạn đất khu vực ven biển, nhất là khu vực xã Tiến Thành – TP. Phan Thiết còn rẻ, chưa ai đầu tư, Thảo khai cũng đã mua một số diện tích đất ở khu vực này và trong đó có một phần đất nằm trong đất dự án King Sea Phan Thiết, nhưng chủ yếu là mua lại của người khác và giấy tờ, tính pháp lý chưa rõ ràng và cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó chưa được phía công ty thỏa thuận đền bù.
Theo cơ quan chức năng, bản chất vấn đề tranh chấp tại dự án King Sea là một số người dân có đất hợp pháp và cả gia đình Nguyễn Văn Thảo có đất chưa đầy đủ tính pháp lý trong dự án nhưng chưa được Công ty Đại Thanh Quang và các chủ đất này thỏa thuận thống nhất bồi thường hoặc hỗ trợ gì nên việc họ phản ứng, ngăn cản, phá rào cũng là điều dễ hiểu, tuyệt nhiên không có băng, nhóm tham gia vào vụ việc này…
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên, ngày 28/6/2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận chủ trì phối hợp với đại diện UBND TP. Phan Thiết, UBND xã Tiến Thành và đại diện Công ty Đại Thanh Quang tổ chức cắm mốc, xác định ranh giới khu đất để triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết. Sau khi tổ chức cắm mốc và xác định ranh giới xong thì công ty đã cho tiến hành lập hàng rào tôn để bao quanh khu đất của dự án, thì bà Nguyễn Thị Bích Loan và bà Lê Thị Anh Đào phát hiện phần đất của mình (mua giấy tay chưa được cấp sổ) bị công ty cho người rào chắn nên đã gọi khoảng 20 người thân đến tháo gỡ hàng rào do công ty dựng lên trên phần đất của mình. Cùng thời điểm này, người nhà gia đình Thảo “lụi” cũng có mặt tại hiện trường ngăn cản không cho công ty lập hàng rào trên phần đất của gia đình đang quản lý.
Khi các vụ việc trên xảy ra, lực lượng Công an TP. Phan Thiết đã có mặt kịp thời đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đồng thời báo cáo UBND TP. Phan Thiết để chỉ đạo giải quyết sự việc, không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp về ANTT trên địa bàn. Hiện nay tại khu vực dự án này đã phát sinh thêm nhiều đơn của người dân, tố cáo Công ty Đại Thanh Quang có hành vi hủy hoại tài sản của họ và Công ty Đại Thanh Quang cũng có đơn tố cáo một số người dân lấn chiếm đất dự án của họ, các cơ quan chức năng đang thụ lý giải quyết.
Thấy gì qua vụ việc tại dự án King Sea Phan Thiết?
Theo cơ quan chức năng, tình hình tại khu vực dự án King Sea Phan Thiết hiện tại rất phức tạp mà nguyên nhân là do trước đây việc cấp đất cho dự án không khảo sát kỹ thực trạng đất đai, kiểm đếm rõ ràng nên chồng lấn lên diện tích đất của dân sở hữu hợp pháp và một số đất người dân bao chiếm từ trước; dự án đã được chấp thuận đầu tư đã lâu (gần 18 năm) nhưng không tác động, đến nay giá đất ở khu vực này tăng rất cao nên việc thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho dân rất khó; khi tiến hành rào đất Công ty Đại Thanh Quang không thỏa thuận được với người dân có đất trong dự án, nhưng không quyết liệt yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm theo đúng quy định pháp luật mà tự ý rào chắn, phá bỏ hàng rào, cây trồng của người dân nên dẫn đến bức xúc. Mặt khác một số người dân mua bán đất bằng giấy viết tay, thủ tục pháp lý không rõ ràng nên khó giải quyết tranh chấp, trong khi giá đất khu vực này hiện rất cao nên số người có đất tranh chấp quyết giữ đất để được đền bù thỏa đáng. Mặc dù tính chất vụ việc chỉ đơn thuần là tranh chấp đất đai giữa các hộ dân với Công ty Đại Thanh Quang mà cụ thể là việc yêu cầu được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng, có thời điểm đông người tham gia nhưng chưa xảy ra xô xát gì lớn và đã được các cấp chính quyền kịp thời ngăn chặn, giải quyết. Xong một số dư luận và mạng xã hội đã đăng tải nhiều thông tin sai sự thật làm cho dư luận nhân dân và các doanh nghiệp hiểu nhầm là ở đây có các băng, nhóm tội phạm tham gia dùng hành vi côn đồ, xã hội đen để đe dọa, ngăn cản doanh nghiệp Đại Thanh Quang thi công dự án nhằm mục đích “trấn lột” tiền. Thông tin trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, môi trường đầu tư của Bình Thuận.
Qua thông tin trên, người dân, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về bản chất của sự việc. Hiện nay tỉnh Bình Thuận cũng đang quyết liệt xử lý các vụ việc tại dự án này cho thật sự công tâm, minh bạch, khách quan, thỏa đáng, đúng quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!