Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp: Tăng cường công tác xét xử lưu động

Thời gian qua, Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp đã tăng cường công tác xét xử lưu động tại cơ sở. Thông qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đến quần chúng nhân dân, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

 

Phiên tòa xét xử lưu động tại xã Mường Và của Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp.

 

Để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng cao biên giới, cùng với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật việc tổ chức xét xử các vụ án lưu động tại các cơ sở nơi xảy ra vụ án được Tòa án huyện hết sức chú trọng, coi đây là một kênh thông tin để người dân tiếp cận với pháp luật một cách thuận tiện, dễ hiểu và nhớ lâu nhất. Theo thống kê 5 năm qua (từ năm 2012 đến năm 2017), Tòa án nhân dân huyện đã thụ lý, giải quyết 302 vụ với 425 bị cáo (trong đó: tội phạm về ma túy 200 vụ/219 bị cáo, tội phạm về môi trường 16 vụ/15 bị cáo, tội phạm xâm hại trật tự xã hội 36 vụ/102 bị cáo, tội phạm sở hữu 50 vụ/88 bị cáo), đưa ra xét xử lưu động 292 vụ/411 bị cáo. Riêng từ đầu năm đến nay, TAND huyện đã tổ chức xét xử 35 vụ án với 41 bị cáo, trong đó, 8 vụ án hình sự được đưa ra xét xử lưu động, chủ yếu về các tội như mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy tại các xã như Mường Lạn, Mường Và, Púng Bánh, Dồm Cang... Lãnh đạo đơn vị yêu cầu các bộ phận chuyên môn thực hiện có hiệu quả, chất lượng giải quyết án ngay từ khâu điều tra, truy tố, xây dựng kế hoạch xét hỏi, tranh luận, dự kiến các tình huống để xử lý tại phiên tòa, việc xây dựng luận tội phải đảm bảo logic, chặt chẽ, có sức thuyết phục cao... Sau mỗi phiên xét xử, lãnh đạo Viện kiểm sát, Tòa án, Công an, kiểm sát viên và các cán bộ tham dự phiên tòa đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm, nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và hoạt động xét xử.

Để công tác xét xử lưu động đạt chất lượng, TAND huyện chú ý lựa chọn những vụ án điển hình, tập trung vào các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân, như: mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; trộm cắp tài sản; hủy hoại rừng; vi phạm pháp luật về trật tự ATGT...

Ông Hoàng Văn Tuyền, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp, cho biết: Do chú trọng ngay từ khâu lựa chọn vụ án điểm nên các phiên tòa xét xử lưu động luôn thu hút được đông đảo người tham dự. Nhờ đó mà hiệu quả tuyên truyền pháp luật được nâng lên rõ rệt. Trước khi tổ chức xét xử lưu động, TAND huyện chỉ đạo các thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: Viện Kiểm sát nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra trong hoạt động chuyên môn và Cơ quan hỗ trợ tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét xử lưu động. Trước ngày mở phiên tòa, các thẩm phán, thư ký đều trực tiếp liên hệ với địa phương để phối hợp chuẩn bị, tổ chức thông báo trên Đài truyền thanh, Truyền hình huyện và hệ thống loa truyền thanh của xã để vận động, thu hút nhân dân tới theo dõi phiên tòa. Phát trực tiếp toàn bộ diễn biến, nội dung phiên tòa trên hệ thống loa truyền thanh của xã để nhiều người không có điều kiện tham dự phiên tòa vẫn nắm được diễn biến, nội dung phiên tòa.

Công tác xét xử lưu động không mới nhưng thực sự hiệu quả, đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, đồng thời, răn đe, phòng ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật xảy ra. Thời gian tới, Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp tiếp tục duy trì hoạt động này nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc.

Mùi Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới