Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

Từ đầu năm đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là các giải pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; bảo đảm không có trường hợp nào đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội, Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự nghiêm minh của pháp luật.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa trực tuyến.

Ông Phùng Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, cho biết: Ngành Kiểm sát Sơn La quán triệt, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Viện KSND tối cao về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Tập trung làm tốt thụ lý tin báo tố giác tội phạm, hạn chế để lọt tội phạm. Kiểm sát viên phải thu thập chứng cứ, điều tra theo hai hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền của người bị buộc tội; không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đó.

Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành, chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự; công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp. Đồng thời, ban hành các kiến nghị khắc phục vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý ở một số lĩnh vực, 100% số kiến nghị đều được cơ quan tiếp nhận chấp thuận và triển khai khắc phục. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các ngành thông qua việc thực hiện các quy chế, kế hoạch, chương trình phối hợp liên ngành, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Từ đầu tháng 12/2022 đến nay, Viện KSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 633 tin báo, tố giác tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 1.997 vụ, 2.608 bị can; truy tố 1.335 vụ, 1.791 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 1.479 vụ, 2.016 bị cáo. Qua hoạt động kiểm sát, đã phát hiện vi phạm, thiếu sót của cơ quan chức năng, ban hành 66 văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật và kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong công tác điều tra án hình sự, công tác tiếp nhận giải quyết nguồn tin tội phạm, yêu cầu khắc phục các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp được tiếp thu thực hiện, số kiến nghị ban hành đã tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức 205 phiên tòa rút kinh nghiệm, vượt 128% chỉ tiêu ngành giao, tăng 70 phiên tòa so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 96,1%; công bố chứng cứ bằng hình ảnh phiên tòa 74 vụ, xây dựng sơ đồ tư duy 184 vụ. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, quy chế nghiệp vụ của ngành. Làm tốt công tác chuẩn bị xét xử, chủ động tham gia xét hỏi, tranh luận với luật sư, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; qua đó, làm sáng tỏ hành vi, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm; bảo đảm quyết định truy tố của Viện kiểm sát khách quan, có căn cứ, đúng người, đúng tội danh, khung hình phạt. Không để xảy ra trường hợp phải thay đổi, rút quyết định truy tố hoặc Tòa án xử khác tội danh Viện kiểm sát truy tố. Kết quả các chỉ tiêu cơ bản đảm bảo theo đúng kế hoạch công tác, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt; không có oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Đối với lĩnh vực dân sự, Viện KSND hai cấp đã đề ra nhiều giải pháp bảo đảm kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng các vụ án dân sự, hành chính, thực hiện đầy đủ quyền yêu cầu. Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp đã bám sát kế hoạch, chương trình công tác, các quy chế nghiệp vụ của ngành và đổi mới các biện pháp nghiệp vụ.

Tăng cường công tác kiểm sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; kiểm sát giải quyết các vụ việc ở lĩnh vực dân sự và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nhờ đó, việc thi hành án dân sự tồn đọng, kéo dài từng bước được giải quyết; số vụ việc dân sự có vi phạm ở cấp sơ thẩm được phát hiện, kháng nghị; các khiếu nại, tố cáo về tư pháp được giải quyết kịp thời.

Thực hiện phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, ngành Kiểm sát tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Bài, ảnh: Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới