Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, huyện Thuận Châu luôn quan tâm, chú trọng triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện kiểm tra sổ sách hoạt động của Tổ hòa giải viên bản Heo Trại, xã Chiềng Pha
Ông Lò Văn Lưu, Trưởng phòng Tư pháp huyện Thuận Châu, cho biết: Huyện đã chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở thông qua các cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, xã để đội ngũ hòa giải viên có nơi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; phát các tài liệu, sách, báo, sổ tay hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên. Mặt trận và các tổ chức thành viên chú trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn số lượng, thành phần mỗi tổ hòa giải theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, lựa chọn, xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ khả năng, kiến thức, năng lực đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải. Đến nay, toàn huyện có 391 tổ hòa giải, 2.348 hòa giải viên; kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện với 26 thành viên. Đội ngũ hòa giải viên hầu hết là những người am hiểu về pháp luật, người có uy tín, trưởng bản, tiểu khu, người được nhân dân tin tưởng.
Từ năm 2019 đến nay, huyện đã cử 117 hòa giải viên tham gia tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở tại Sở Tư pháp; mở 2 lớp tập huấn công tác Hòa giải ở cơ sở cho 29 xã, thị trấn trên địa bàn. Các hòa giải viên nắm được Luật Hòa giải cơ sở, kỹ năng, quy trình hòa giải cơ sở, việc lập văn bản hòa giải thành, hòa giải không thành, việc ghi sổ theo dõi hoạt động hòa giải cơ sở đầy đủ các nội dung theo quy định. Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, thị trấn thường xuyên đến các thôn, bản, tiểu khu hướng dẫn, góp ý, bổ sung kiến thức, những quy định mới cho đội ngũ hoà giải viên, giúp đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở nhận thức đầy đủ về kiến thức pháp luật nhất là lĩnh vực đất đai và hôn nhân gia đình...
Bên cạnh đó, UBND huyện đã lựa chọn 3 xã: Chiềng Pha, Phổng Lập và Bó Mười làm điểm công tác hòa giải ở cơ sở; trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cấp phát tài liệu, tổ chức các hoạt động, học tập trao đổi kinh nghiệm cho hòa giải viên; đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo điểm, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ hòa giải, hòa giải viên, cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở; tăng tỷ tệ hòa giải thành.
Với việc triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2019 đến nay các tổ hòa giải toàn huyện đã tiếp nhận 692 vụ hòa giải, hoà giải thành 596 vụ, đạt 86,1%; các vụ việc hòa giải không thành đều được hòa giải viên hướng dẫn chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu kiện kéo dài trong nhân dân; góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định, tổng số vụ vi phạm pháp luật là 1.393 vụ, giảm 8.449 vụ so với giai đoạn 2015-2018.
Anh Quàng Văn Hải, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Bó Mười, cho biết: Xã hiện có 14 tổ hòa giải với 96 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số, đều đã được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải viên đến tìm hiểu rõ nguyên nhân, tổ chức gặp gỡ động viên, thuyết phục, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả, vừa hợp lý, vừa giữ được tình làng, nghĩa xóm. Từ năm 2019 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã tiếp nhận hòa giải 110 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 110 vụ việc, đạt 100%.
Cán bộ Công chức tư pháp - hộ tịch xã Chiềng Pha trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp cho tổ hòa giải.
Tại xã Chiềng Pha có 12 tổ hòa giải với 60 hòa giải viên. Cùng với hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, các hòa giải viên của xã đã tăng cường lồng ghép hoạt động hòa giải với đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành tốt pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, từ năm 2019 đến tháng 9/2022, các tổ hòa giải của xã đã tiếp nhận 28 vụ hoà giải, hòa giải thành 25 vụ, chiếm 89,2%; góp phần làm giảm các vi phạm pháp luật và hạn chế được tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp.
Anh Quàng Văn Ơn, tổ trưởng tổ hòa giải viên bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, chia sẻ: Bà con hàng xóm, nhiều khi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt dẫn đến cãi vã, kiện tụng, mất tình làng nghĩa xóm. Phát huy vai trò của tổ hòa giải, các thành viên tìm hiểu tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phân tích rõ đúng, sai sự việc, tuyên truyền, giải thích, để giải quyết khúc mắc giữa hai bên, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng.
Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” tại huyện Thuận Châu đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức của hòa giải viên ở cơ sở, nêu cao trách nhiệm trong xử lý vụ việc, số vụ việc hòa giải thành tăng, kịp thời giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư; hạn chế các vi phạm pháp luật ở cơ sở và khiếu kiện vượt cấp; hình thành ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nề nếp “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong cộng đồng dân cư.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!