Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) từ năm 1982, theo đó cam kết bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền xét xử công bằng, quyền không bị phân biệt đối xử. Tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp tại tòa án, cụ thể là cho phép tham dự, ghi âm, ghi hình bằng các thiết bị có đăng ký với tòa, là một trong những cách bảo đảm quyền không bị phân biệt đối xử của nhà báo, đồng thời giúp báo chí đưa tin kịp thời, minh bạch, giúp tòa án thực hiện quyền tư pháp vô tư, công khai, khách quan và nhân văn hơn.
Hệ lụy khi nhà báo không được trực tiếp tác nghiệp tại tòa án
Khi công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh, các vụ xử án thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân. Việc không cho phép báo chí ghi hình, ghi âm và hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử đang ngăn cản báo chí thực hiện chức năng là “tai, mắt” của nhân dân.
Trong khi bị hạn chế tiếp cận trực tiếp thông tin lý tính, người dân lại có quá nhiều nguồn thông tin khác đầy cảm tính (ví dụ thông tin từ gia đình của người bị xét xử, thông tin lan truyền nhanh trên mạng xã hội) và có khả năng tạo ra những làn sóng cảm xúc tác động tới quá trình làm việc công tâm, khách quan của tòa.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" qua màn hình trong phòng báo chí, tháng 7-2023. Ảnh: DANH LAM |
Một trong những mặt trái của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển hiện nay là việc sản xuất hàng loạt và truyền tải tức thì nhiều tin giả, kể cả ở dạng hình ảnh và âm thanh. Nếu không có thông tin được kiểm chứng, tuân thủ quy định ghi âm, ghi hình bởi những nhà báo chuyên nghiệp sẽ không có đủ căn cứ để xác minh thông tin đến với công chúng là thật hay giả. Không có bản ghi âm, ghi hình, nhà báo không có đủ bằng chứng để thực hiện chức năng giám sát, phản biện một cách chính xác, về lâu dài sẽ gây nhiễu loạn thông tin, dẫn đến mất ổn định và trật tự xã hội.
Có thể tóm lược những lý do nên tạo điều kiện cho báo chí ghi âm, ghi hình tại tòa án để phục vụ quyền được thông tin của người dân bằng 4 luận điểm sau, theo nghiên cứu “Dư luận xã hội về sự hiện diện của báo chí tại phòng xử án”, đăng trên Tạp chí Luật và Tâm lý (International Journal of Law and Psychiatry) thuộc Nhà xuất bản Elsevier (trụ sở tại Hà Lan) năm 2012, như sau:
Thứ nhất, ghi âm, ghi hình hay quản trị, lưu trữ, truyền tải thông tin nghe nhìn nói chung trong báo chí bao gồm một loạt tác vụ cần người chuyên nghiệp (nhà báo) thực hiện.
Thứ hai, các cá nhân có nguồn lực nhận thức hạn chế nên cần có nhà báo thay mặt họ thu thập và kiểm chứng thông tin. Người dân không đủ thời gian theo dõi phần ghi hình, ghi âm hoặc đọc để hiểu hàng ngàn trang tài liệu do tòa công bố. Người dân cũng không đủ khả năng lĩnh hội, sàng lọc, phân tích thông tin tòa án. Vì vậy, cần có nhà báo thay mặt họ chọn lọc thông tin và tiếp cận chuyên gia để cung cấp tri thức cốt lõi, đúng đắn nhất cho người dân.
Thứ ba, mỗi cá nhân có mục tiêu, động lực, động cơ riêng khi sử dụng thông tin từ tòa án để tạo ra quan điểm riêng của họ về vụ án, từ đó có thể chi phối quá trình xét xử. Do đó, tòa cần hạn chế việc mỗi cá nhân tự tạo ra phiên bản tin tức giật gân của riêng họ, bằng cách tạo điều kiện cho báo chí chuyên nghiệp tác nghiệp tại tòa.
Thứ tư, trong trường hợp “đại án”, việc có quá nhiều thông tin thứ cấp do tòa đưa ra (trên trang thông tin điện tử hoặc các đoạn ghi âm, ghi hình không xử lý) thiếu sự tổng hợp, chắt lọc của nhà báo chuyên nghiệp thì việc quá tải về nhận thức có thể xảy ra. Người dân có thể chú ý quá nhiều đến khía cạnh cảm xúc nào đó mà không nhìn được bức tranh toàn cảnh của vấn đề.
Hướng dẫn tác nghiệp báo chí tại tòa án
Đi kèm với luật, nhiều quốc gia đưa ra quy định hướng dẫn chi tiết dành cho báo chí trong việc ghi âm, ghi hình tại tòa án.
Tại New Zealand, video truyền hình trực tiếp từ tòa án ra bên ngoài có độ trễ khoảng 10 phút so với thời gian thực tế. Trong 10 phút này, tòa án có thể đưa ra hướng dẫn cụ thể để báo chí xử lý.
Tại Mỹ, bản ghi âm, ghi hình do nhà báo thực hiện được coi là thông tin công chúng và được khuyến khích chia sẻ với nhà báo ở các tòa soạn khác hoặc chia sẻ với mức phí chấp nhận được.
Nhiều quốc gia cho phép sử dụng bản vẽ, hình ảnh đồ họa để thay cho hình ảnh thực tế tại một số phiên tòa do tính chất nhạy cảm của vấn đề xét xử.
Bản hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại tòa án của New Zealand được chỉnh sửa, bổ sung hằng năm, nhằm theo kịp với những phát triển mới của công nghệ. Đặc biệt lưu ý tới thực tế là những thiết bị ở ngoài căn phòng xử án cũng có khả năng ghi âm, ghi hình diễn biến trong phiên tòa.
Như vậy, luật cần song hành với văn bản quy định chi tiết, cụ thể, công khai, hướng dẫn nhà báo tác nghiệp trong điều kiện có nhiều điều khoản luật khắt khe hơn đối với báo chí.
Việt Nam đã tham gia ICCPR từ năm 1982, theo đó, cam kết bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền xét xử công bằng, quyền không bị phân biệt đối xử. Tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp tại tòa án, cụ thể là cho phép tham dự, ghi âm, ghi hình bằng các thiết bị có đăng ký với tòa, là một trong những cách bảo đảm quyền không bị phân biệt đối xử của nhà báo, đồng thời giúp báo chí đưa tin kịp thời, minh bạch, giúp tòa án thực hiện quyền tư pháp vô tư, công khai, khách quan và nhân văn hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!