Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong ngành Tư pháp

Sáng 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương. Về phía các điểm cầu địa phương có đại diện của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự.

Chất lượng thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên rõ rệt

Báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Trong năm 2017, Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”, được dư luận đánh giá cao. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đạt nhiều kết quả như việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Chiến lược cải cách tư pháp được đẩy mạnh, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 vào các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đạt nhiều kết quả tích cực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật bước đầu có sự đổi mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải pháp luật đến người dân.

Thi hành án dân sự đạt kết quả cao, tiếp tục vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền. Công tác hành chính tư pháp, đặc biệt là triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 và mở rộng áp dụng Phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Việc tham gia ý kiến pháp lý đối với các vụ việc phát sinh trong đầu tư quốc tế được thực hiện kịp thời, có chất lượng; hợp tác quốc tế về pháp luật tạo được những dấu ấn quan trọng, nhất là trong quan hệ với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lùi, rút các dự án luật; chất lượng một số VBQPPL chưa cao; chưa đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết từ năm 2017. Trong thi hành án dân sự, số việc và tiền có điều kiện chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều; việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn có sai sót, bị dư luận lên tiếng phàn nàn. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ở một số địa phương còn yếu; công tác pháp chế ở nhiều địa phương còn yếu. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực của Bộ, ngành chưa cao…

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp

Phát biểu chỉ đạo, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và kết quả, thành tích mà toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2017.

Nhấn mạnh đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với những thời cơ, thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen, Chủ tịch nước cho rằng trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Tư pháp đặt ra rất nặng nề. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp tập trung chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, nhất là về xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, chỉ đạo việc triển khai thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua, như Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin... Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp.

Chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Tăng cường công tác theo dõi thi hành án hành chính; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Mặt khác, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, không để phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài; tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa vi phạm trong toàn hệ thống thi hành án dân sự. Chủ động, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, yếu tố con người - đội ngũ cán bộ tư pháp giữ vai trò quyết định. Vì vậy, ngành Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài…/.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới