Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật có sự chuyển biến tích cực; thể chế, chính sách của công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cơ bản hoàn thiện; số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực tham gia từng bước cải thiện, nâng cao; nội dung, hình thức, mô hình phù hợp hơn với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn... Đó là những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh.
ĐVTN huyện Quỳnh Nhai hướng dẫn người dân khai thác tài liệu pháp luật trên Internet.
Ngày 26/11/2012, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND tỉnh về triển khai Luật Phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện; thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, huyện, thành phố; rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cấp tỉnh, huyện; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL; duy trì 2.505 tổ hòa giải ở cơ sở, 14.947 hòa giải viên; 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch, tổ chức quán triệt nội dung đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Các huyện, thành phố gắn các phong trào quần chúng, hội, đoàn thể và các chương trình, đề án, như: “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày hội đoàn kết toàn dân”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...; xây dựng kế hoạch triển khai các Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật”; “Tuyên truyền, phổ biến GDPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”; “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”; “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”.
Tại huyện Sông Mã, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền; lựa chọn chủ đề, nội dung tuyên truyền các vấn đề dư luận quan tâm, như: Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các quy chế, hiệp định biên giới; các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19... Ông Ngô Đình Huyển, Trưởng phòng Tư pháp huyện, thông tin: Các hoạt động tuyên truyền tập trung nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL; trong đó, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; nạn nhân bạo lực gia đình; nhóm đối tượng người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc...
Còn ở huyện Quỳnh Nhai, sau 10 năm triển khai thực hiện Luật, đã tổ chức gần 2.000 cuộc tuyên truyền với trên 195.000 lượt người tham dự; cấp phát 7.445 tài liệu PBGDPL, hơn 3.000 tờ gấp về hòa giải cơ sở. Ông Tẩn Văn Pặp, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Cán bộ xã thường xuyên xuống bản tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các luật, quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật, giúp người dân nâng cao hiểu biết, sống và chấp hành nghiêm pháp luật.
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh tổ chức trực tiếp trên 74.700 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL; 264 cuộc thi với trên 100 nghìn lượt người tham gia. Biên soạn, phát hành trên 4 triệu tài liệu tuyên truyền, gồm: Sách, sổ tay, tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp pháp luật. Duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật với nội dung đa dạng, hình thức truyền tải phong phú như: “Hỏi - đáp pháp luật”, “Trả lời bạn nghe đài, xem truyền hình”, “Chung tay cải các hành chính”...; phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm, có hiệu quả về PBGDPL như: “Lớp học xóa mù chữ”, “Bữa sáng cho em”, “Tiếng loa biên phòng”...
Mặt khác, căn cứ chức năng, nhiệm vụ các sở, ngành địa phương triển khai hiệu quả các đề án, như: “Tuyên truyền PBGDPL cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”; “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới”; “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”...
Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Sơn La đang tăng cường công tác lãnh đạo, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; kiện toàn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL. Không ngừng đổi mới, sử dụng có hiệu quả, sáng tạo các hình thức phổ biến pháp luật, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và tổ chức thi hành pháp luật; đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác PBGDPL. Kiến nghị với Bộ Tư pháp tăng cường ưu tiên nguồn lực, cơ sở vật chất cho việc tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đề ra mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp từng giai đoạn.
Qua thực tiễn, việc triển khai Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!