Trong những năm qua, cùng với thực hiện tốt các chính sách, quy định về bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm đã tập trung tham mưu với tỉnh, ngành nông nghiệp ban hành hệ thống văn bản về quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân, thu hút được sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ sở tham gia bảo vệ rừng; nâng cao độ che phủ của rừng, giảm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Háng Đồng (Bắc Yên) kiểm tra rừng tại bản Háng Đồng B.
Đến thời điểm này, tỉnh ta có gần 780.000 ha diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 55% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng gần 600.000 ha, chiếm 40% diện tích rừng các tỉnh Tây Bắc; rừng được giao cho 53.838 chủ rừng tại 2.842 thôn bản thuộc 202 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, nên rừng Sơn La có vai trò phòng hộ đầu nguồn rất quan trọng cho các công trình thủy điện quốc gia trên Sông Đà và còn gắn liền với nguồn sống, sinh kế và ổn định đời sống, phát triển KT-XH của gần 85% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nhiều năm qua, tỉnh ta luôn xác định rõ vị trí, vai trò của công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng với phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với cải thiện sinh kế của người dân và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, trên cơ sở các quy định, cơ chế chính sách về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, vận dụng vào điều kiện thực tế của địa phương, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản quy định, cụ thể hóa để tìm hướng đi, cách thức tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó đã tổ chức quản lý tốt diện tích rừng hiện còn; tập trung triển khai một số chương trình và chính sách thí điểm trọng tâm trong phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ, phát triển rừng, như: Chương trình giao rừng, giao đất lâm nghiệp; chương trình phát triển cây cao su; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; chính sách trồng rừng hỗ trợ gạo cùng nhiều chương trình, chính sách quan trọng khác... Ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thông tin: Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, nghị quyết, quy định quan trọng trong việc chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, giảm đáng kể các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Gần đây nhất, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 12/9/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020. Qua đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết gắn với tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, chú trọng tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay trong triển khai thực hiện Nghị quyết tại cơ sở. Trong đó, đã tổ chức 1.422 cuộc tuyên truyền tại các xã, bản, thu hút hơn 70.000 lượt người tham dự, vận động trên 3.000 hộ tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR và bảo vệ động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, tỉnh ta còn tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp hiệu quả với chính quyền cơ sở, tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật; kiên quyết bắt giữ, tịch thu phương tiện, tang vật và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản cùng các đối tượng tiếp tay vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn. Các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép từng bước được ngăn chặn hiệu quả. Công tác PCCCR, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh ta được triển khai đến các cấp, các ngành và chủ rừng thông qua việc ban hành các Chỉ thị và phê duyệt phương án PCCCR trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR cấp tỉnh, 12 Ban Chỉ huy cấp huyện, thành phố, 202 Ban Chỉ huy cấp xã và 2.789 tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR cấp thôn, bản, góp phần giữ được diện tích rừng hiện còn và trồng được hàng trăm ha rừng mỗi năm...
Có thể khẳng định: Thông qua việc ban hành các văn bản, quy định về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn trong thời gian qua, tỉnh ta đã nâng cao được chất lượng, hiệu quả đầu tư phát triển rừng gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân các dân tộc. Đồng thời, giúp các cơ sở sử dụng có hiệu quả các nguồn lực triển khai một số cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở; đẩy mạnh được việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Đây chính là cơ sở để trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, quy định bảo vệ và phát triển rừng...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!