Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, năm 2022, tổng doanh thu của ngành game Việt Nam ước đạt 665 triệu USD, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Doanh thu của các game sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu ước đạt 200 triệu USD/năm.
Thực trạng game không phép tại Việt Nam
Tại Hội thảo triển khai giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game không phép vừa diễn ra sáng 23-3, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Từ năm 2019 đến nay, theo yêu cầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Google đã gỡ 294 game cờ bạc, đổi thưởng, game bạo lực, game không phép; Apple đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép; dừng hoạt động 543 trang web có dấu hiệu cung cấp các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng. Tuy nhiên hiện nay số lượng game không phép trên các nền tảng vẫn không giảm mà có dấu hiệu tăng lên. Người dùng tại Việt Nam chỉ cần vào Google Play hay Apple Store là có thể tiếp cận được hàng trăm game không phép của các công ty nước ngoài.
Quang cảnh Hội thảo triển khai giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game không phép. |
Theo các nhà phát hành game trong nước, nguyên nhân khiến các công ty nước ngoài đưa game vào Việt Nam tăng mạnh mà không cần xin giấy phép từ cơ quan quản lý nhà nước là do các kho ứng dụng AppStore của Apple hay Google Play thay đổi chính sách chiết khấu. Theo đó, Google có mức trả chi phí trên cửa hàng ứng dụng xuống còn 15%, áp dụng cho các nhà phát triển thu được 1 triệu USD đầu tiên mỗi năm. Trong khi đó, Apple cũng có có điều chỉnh tương tự, các nhà phát triển có thu nhập hằng năm từ AppStore dưới 1 triệu USD cũng chỉ mất 15%. Trước đó, mức chiết khấu cho cả hai kho ứng dụng là 30%. Ngoài việc dùng thẻ tín dụng, người chơi có thể thanh toán qua ví điện tử MoMo trên cả hai kho ứng dụng AppStore và Google Play và mới đây, có thêm Shopee Pay cũng đã tiến hành kết nối thanh toán trên kho ứng dụng AppStore của Apple.
Tại hội thảo, ông Lê Quang Tự Do cho chia sẻ thêm, hiện có hàng trăm nghìn game không phép đang phát hành trên mạng, trong đó chủ yếu là trên kho ứng dụng Apple App Store, Google Play Store, Valve Stream. Doanh thu của game không phép ước tính khoảng gần 5.000 tỷ đồng/năm.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử: Các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép gồm thường qua các trung gian thanh toán (ví điện tử) hoặc chuyển khoản ngân hàng (internet banking). Người cung cấp game kết nối ví điện tử và gắn mã QR, số điện thoại hoặc số tài khoản ngân hàng để chuyển khoản. Người chơi quét mã QR hoặc chuyển khoản để chuyển tiền cho người cung cấp game. Người cung cấp game nhận tiền sẽ nạp vật phẩm ảo/tiền ảo vào tài khoản game cho người chơi.
Các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng chỉ ra những kênh thanh toán hỗ trợ game không phép như: Qua In app – purchase (IAP) như: Google, Ví điện tử: MoMo, ZaloPay, VTC Pay; Thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ: MasterCard, Visa, Visa Electron; Tài khoản viễn thông: Vinaphone, MobiFone, Viettel; Apple...
Khi thanh toán trên IAP thì các trung gian thanh toán sẽ nắm được thông tin: Thông tin về người giao dịch (họ và tên, số điện thoại, email…), tổng số tiền đã mua dịch vụ, ứng dụng. Các nhà mạng sẽ nắm được thông tin như: Số điện thoại của người dùng, sản phẩm hoặc dịch vụ được mua, giá trị của giao dịch. Qua tìm hiểu bước đầu, khi phát hành một game trên kho ứng dụng thì doanh thu từ thanh toán qua thẻ tín dụng (Visa/Master) chiếm 5-7%, ví điện tử MoMo chiếm 60%, phần còn lại là các hình thức khác.
Thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng và thẻ ATM. Nguồn: Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. |
Các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép qua các website thanh toán (nạp game): https://muacash.com, http://www.napgamelau.com, https://napgamemobile.com, https://www.napgame247.com, https://naplau.com… Các website này thực hiện thanh toán bằng cách chuyển khoản trực tiếp từ người dùng đến tài khoản ngân hàng, ví điện tử của bên nhận thanh toán. Sau đó bên nhận thanh toán thực hiện nạp bằng IAP trên Google, Apple. Các website này vừa cho phép nạp cả game có phép và game không phép.
Đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán tuân thủ pháp luật
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Điểm e, Khoản 4, Điều 27 sửa đổi, bổ sung tại điểm d, khoản 16, Điều 1: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi sử dụng, lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Điểm d, Khoản 6, Điều 9: Nghiêm cấm việc sử dụng Ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn Ví điện tử hoặc mua, bán thông tin Ví điện tử. Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29-12-2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo. |
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm: Giá trị giá trị gia tăng của Việt Nam trong ngành game là không cao, gần 90% game ở thị trường là nhập khẩu hoặc có xin phép, còn nếu tính cả game lậu không phép trên mạng thì tỷ lệ này có thể còn lớn hơn nữa. Ngoài ra một số nước ở gần Việt Nam khi thay đổi chính sách, có các biện pháp siết chặt ngành game trong nước thì các game đó lại tràn vào Việt Nam. Các doanh nghiệp game trong nước đã khó khăn, nhiều chi phí trong khi vòng đời game ngắn lại bị cạnh tranh không lành mạnh...
Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Sở TT&TT tỉnh, thành phố xử lý các hành vi vi phạm về thanh toán, khuyến mại cho game hoặc các hành vi có dấu hiệu lợi dụng game để đổi thưởng, cờ bạc. Chỉ đạo Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game trong nước bảo vệ bản quyền game, rà soát, loại bỏ các game mạo danh, game vi phạm bản quyền, game không phép. Công bố trên Cổng thông tin của Bộ (mic.gov.vn), Cục (abei.gov.vn), cổng thông tin về game (game.gov.vn) danh sách các trò chơi được cấp phép, các website game không phép, game cờ bạc.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng chỉ ra bất cập, hạn chế như: Việc thanh toán các game không phép rất dễ dàng bằng nhiều hình thức. Các trung gian thanh toán không kiểm tra tính hợp pháp của game khi tiến hành giao dịch nạp game dẫn tới việc nạp tiền cho các game không phép, game cờ bạc, game vi phạm pháp luật. Người dùng vẫn thiếu ý thức cảnh giác trong quá trình chọn lựa và sử dụng dịch vụ, ứng dụng (game); Các trò chơi không phép vẫn tiếp tục được hỗ trợ và tràn lan tại Việt Nam. Doanh nghiệp game trong nước "teo tóp" (không cạnh tranh được với game không phép, doanh nghiệp game nước ngoài hạn chế hợp tác phát hành với doanh nghiệp game trong nước mà phát hành xuyên biên giới để thu lợi nhiều hơn).
Dẫn đến nguy cơ về an toàn thông tin, tuyên truyền các nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử, thuần phong mỹ tục… Hướng dòng tiền chảy ra nước ngoài; thất thu thuế; ảnh hưởng tới quyền lợi của người chơi game.
Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra giải pháp, định kỳ hàng tháng cập nhật, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trung gian thanh toán danh sách các game đã được cấp phép, danh sách game không phép để các trung gian thanh toán đối chiếu, không thanh toán, kết nối thanh toán tới các game không phép.
Đề nghị các trung gian thanh toán phải tuân thủ quy định pháp luật, không cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán cho các game không phép, game vi phạm pháp luật. Tăng cường, rà quét phát hiện các game không phép, vi phạm pháp luật trên mạng; phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước xác định các kênh thanh toán đang cung cấp dịch vụ thanh toán cho các game không phép, vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trung gian thanh toán vi phạm.
Các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép. Nguồn: Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. |
Yêu cầu các nhà mạng ngăn chặn đường truyền truy cập tới các website thanh toán vi phạm pháp luật; chặn đường truyền truy cập tới các website/ứng dụng cung cấp game vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đề nghị Apple, Google không hợp tác với đơn vị trung gian thanh toán để thanh toán cho game trên các kho ứng dụng. Đề nghị cơ quan báo chí giám sát, phát hiện và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý các đơn vị trung gian thanh toán đang kết nối thanh toán hoặc hỗ trợ thanh toán cho các game không phép. Địa chỉ tiếp nhận thông tin về thanh toán cho game không phép: www.game.gov.vn.
Cũng tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị cung cấp game trong nước, doanh nghiệp cung cấp thẻ thanh toán đã đưa ra những đề nghị, kiến nghị và những khó khăn gặp phải đối với Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!