Rừng xanh Xuân Nha

Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi men theo con đường uốn lượn quanh những dãy núi cao, trải mắt theo màu xanh ngút ngàn của rừng trùng điệp mới thấy hết được sự rộng lớn và đa dạng của rừng đặc dụng Xuân Nha. Để có được những cánh rừng xanh như vậy là nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha và nhân dân các dân tộc nơi đây.

Các cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha phối hợp cùng

tổ quản lý bảo vệ rừng bản Khò Hồng kiểm tra diện tích rừng của bản. 

Rừng đặc dụng Xuân Nha là một trong 4 khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh, với tổng diện tích 18.000 ha, nằm trên địa phận 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Rừng đặc dụng Xuân Nha còn được biết đến với sự đa dạng sinh học, nhiều loài động, thực vật thuộc sách đỏ Việt Nam, như: Pơ mu, bách xanh, thông 5 lá, khỉ mặt đỏ, gà mặt vàng... Năm 2002, UBND tỉnh đã quyết định thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha và thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha để bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Với địa bàn quản lý lớn, lực lượng cán bộ của Hạt lại mỏng, trung bình một cán bộ của Hạt phải quản lý, bảo vệ trên 2.000 ha rừng; có 9 bản nằm trong vùng lõi, rừng còn tiếp giáp với 2 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và có chung đường biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nên việc bảo vệ rừng càng đặt ra yêu cầu cao hơn.

Vân Hồ những ngày đầu năm thật lạnh, bên chén trà xanh tỏa hương, ông Giàng A Nhà, thành viên Đội quản lý và bảo vệ rừng bản Khò Hồng, cho biết: Bản Khò Hồng, xã Chiềng Xuân là một trong 9 bản nằm trong vùng lõi của khu rừng đặc rụng Xuân Nha. Trước đây, với tập tục du canh du cư, rừng của bản bị phát lấn làm nương nhiều. Hơn 10 năm trở lại đây, được sự tuyên truyền của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm nên tình trạng phá rừng làm nương không còn nữa; bản thường xuyên tuyên truyền tới bà con lợi ích của việc bảo vệ rừng; đối với diện tích đất canh tác gần nước thì chuyển sang làm ruộng lúa nước, đời sống của bà con đã dần ổn định. Cùng với đó, bản thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng với 10 thành viên hoạt động hiệu quả. Nhiều năm nay, bản không có trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha, hiện trên địa bàn đã thành lập 48 tổ quản lý và bảo vệ rừng với 400 thành viên. Định kỳ hằng tháng, các tổ công tác tổ chức tuần tra, báo cáo tình hình. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp cùng các tổ quản lý bảo vệ rừng, bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra chung. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện kịp thời, trong năm 2015, đã chi trả trên 200 triệu đồng. Các dự án: trồng rừng hỗ trợ gạo; bảo vệ và phát triển rừng; khoán khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng được triển khai kịp thời, giúp người dân ổn định đời sống và quan tâm hơn tới công tác bảo vệ rừng.

Là người sinh ra và lớn lên dưới tán rừng đặc dụng Xuân Nha, 11 năm làm kiểm lâm địa bàn, anh Vì Văn Thiệp đã có bao kỷ niệm vui buồn gắn với cánh rừng đặc dụng. Anh Thiệp chia sẻ: Rừng đặc dụng Xuân Nha đã gắn bó với tôi từ nhỏ, biết là làm nghề kiểm lâm rất vất vả, nhưng vì yêu rừng nên trách nhiệm càng phải cao hơn. Tôi còn nhớ, trong đợt rét đậm, kèm băng tuyết đầu năm 2016, tại khu vực đỉnh núi Pa Luông có hơn 2.300 ha rừng bị gẫy đổ, chết khô, đúng vào thời gian bà con đi đốt nương lên nguy cơ cháy rừng cao. Khi nhận được thông tin có cháy rừng, tôi cùng anh em của Hạt và hàng trăm bà con, lực lượng dân quân các xã trong vùng đã cùng có mặt để chữa cháy, 4 ngày liền ăn ngủ ngay tại rừng, cuối cùng đám cháy cũng được khống chế. Vất vả là vậy, nhìn mặt ai cũng nhem nhuốc khói, bụi nhưng ai cũng vui vì đã không để cháy lan sang các khu vực khác.

Với những cố gắng, nỗ lực của lực lượng kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha, trong hai năm (2015-2016) các xã trong khu vực rừng đặc dụng đã trồng mới trên 120 ha rừng tái sinh; Hạt Kiểm lâm phối hợp tổ chức 50 hội nghị tuyên truyền cho trên 3.000 lượt người về công tác quản lý và bảo vệ rừng; tiến hành kiện toàn 16 tổ bảo vệ rừng tại các bản thuộc vùng lõi của rừng đặc dụng với số thành viên là 186 người; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thu giữ 16,44m3 gỗ, 17,3 tấn Lùng; xử phạt, thu nộp ngân sách gần 200 triệu đồng, bán đấu giá tang vật, thu nộp ngân sách trên 100 triệu đồng.

Với quyết tâm “năm sau phải tốt hơn năm trước” Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ rừng với việc bám nắm địa bàn; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân về công tác bảo vệ, phát triển vốn rừng, nâng cao hơn nữa nhận thức việc bảo vệ và phát triển rừng; chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng... 

Thanh Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới