Mộc Châu hiện có hơn 36.000 trẻ dưới 16 tuổi và trên 3.300 người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Những năm qua, huyện chú trọng công tác phòng ngừa tình trạng trẻ em tham gia lao động trái quy định pháp luật, tạo điều kiện cho trẻ được học tập, vui chơi, giải trí, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu tuyên truyền hộ kinh doanh sử dụng lao động trẻ em đúng quy định của pháp luật.
Ông Trương Vĩnh Linh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động chưa thành niên, nhưng phải đảm bảo công việc không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách người chưa thành niên. Hàng năm, phòng đã tham mưu giúp UBND huyện ban hành kế hoạch chăm sóc bảo vệ trẻ em; phòng ngừa trẻ lao động trái quy định pháp luật. Lồng ghép nội dung phòng ngừa lao động trẻ em trái quy định trong các hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em; Đề án chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; thực hiện mô hình “Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng”.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em tại các doanh nghiệp, hợp tác xã; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cuộc họp xã, bản, tổ chức đoàn thể; tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo... Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các xã, thị trấn, cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa và giảm thiểu sử dụng lao động dưới 18 tuổi trái quy định pháp luật. Đồng thời, tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp không sử dụng lao động chưa thành niên trái quy định cho các hợp tác xã, hộ gia đình. Hàng năm, Liên đoàn Lao động huyện, Bảo hiểm xã hội huyện, Trung tâm Y tế huyện kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc sử dụng lao động đúng độ tuổi. Ngoài ra, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng và việc sử dụng lao động tại các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất, dịch vụ ăn uống nhỏ, lẻ; tuyên truyền về các thủ đoạn dụ dỗ “Việc nhẹ, lương cao”, môi giới, lừa đảo lao động, buôn bán trẻ em…
Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới Mộc Châu có 3 chi nhánh, với 43 lao động thường xuyên. Vào dịp lễ, tết, do nhu cầu sản xuất kinh doanh lớn, Công ty còn tạo việc làm thời vụ cho từ 20-30 lao động địa phương. Chị Nguyễn Thúy Hà, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Lao động trong Công ty có độ tuổi trung bình từ 20-55 tuổi. Do tính chất công việc chăm sóc hoa khá đặc thù, thời gian linh động, nên chúng tôi lựa chọn lao động có khả năng làm việc tốt, nhanh nhẹn và đúng quy định của pháp luật; qua đó giúp doanh nghiệp sản xuất ổn định, lâu dài.
Bà Lò Thị Bình, chủ homestay Bình Nguyên, bản Áng, xã Đông Sang cho biết: Gia đình tôi kinh doanh dịch vụ các món ăn dân tộc và nhà nghỉ cộng đồng, với sức chứa 100 người. Hiện tại, homestay có 3 lao động thường xuyên; những ngày cuối tuần lượng khách nhiều, gia đình thuê thêm từ 10-15 lao động, tiền công từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Chúng tôi lựa chọn thuê lao động bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, huyện Mộc Châu tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện, can thiệp các trường hợp có nguy cơ là lao động trẻ em; triển khai các giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, giúp đỡ và ngăn ngừa các trường hợp trẻ em bỏ học, tham gia lao động, trẻ có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Các xã, thị trấn thực hiện rà soát, hỗ trợ và đề nghị gia đình cam kết không để trẻ lao động trái quy định của pháp luật, hoặc bỏ học để tham gia lao động. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại địa phương theo thẩm quyền; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!