Phiên tòa trực tuyến đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tòa án nhân dân tỉnh ký kết, ban hành kế hoạch liên ngành tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hình sự, dân sự, hành chính với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hỗ trợ hoặc thay thế xét xử trực tiếp tại Tòa án. Trong đó, việc tham gia của Kiểm sát là thành phần không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đảm bảo thực hiện đúng quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính, góp phần thực hiện chuyển đổi số và hiệu quả công tác cải cách tư pháp.

 

Phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hành chính.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết 33 của Quốc hội; tăng cường quan hệ phối hợp, sáng tạo trong phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kinh phí, sát sao trong việc kiểm tra, đôn đốc, phân công thành phần tham dự phiên tòa. Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án chủ động phối hợp với Thẩm phán lựa chọn, đề xuất các vụ án đủ điều kiện tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Từ đầu năm đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp trong tỉnh đã tham gia đầy đủ 55 phiên tòa trực tuyến hình sự, dân sự, hành chính. Các phiên tòa diễn ra đúng quy định của pháp luật, đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp, đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa. Điển hình, ngày 14/9/2022, VKSND và TAND tỉnh Sơn La đã tổ chức xét xử trực tuyến, rút kinh nghiệm vụ án hành chính tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Sa Thị Huyền, ông Hà Văn Đên với bị đơn là ông Sa Đình Khoát, bà Hà Thị Thương, cùng trú tại bản Khẻn Tiên, xã Tân Lang, huyện Phù Yên. Với điểm cầu chính là Tòa án nhân dân tỉnh và điểm cầu thành phần tại Tòa án nhân dân huyện Phù Yên. Những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đều có mặt tại các điểm cầu. Khi xét xử, Tòa án và các đương sự sử dụng đường truyền riêng có kết nối internet ổn định. Như vậy, các đương sự không mất thời gian và chi phí đến phòng xử án mà vẫn theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa. Phiên tòa đảm bảo trình tự thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người, tạo điều kiện cho hoạt động xét xử và tranh tụng. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực, chủ động trong các phần xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa để làm rõ tình tiết của vụ án, nhận định và quan điểm của Kiểm sát viên về quá trình tố tụng và giải quyết vụ án đảm bảo có căn cứ pháp lý. Sau khi xem xét, đánh giá toàn bộ các tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp và tài liệu do Tòa án cấp phúc thẩm xác minh và thu thập, kiểm sát viên căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự đề nghị sửa bản án dân sự sơ thẩm số 04/2022/DS-ST ngày 08/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện Phù Yên theo hướng không chấp nhận đơn khởi kiện của đương sự. Đề nghị của Kiểm sát viên đã được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết vụ án, kiểm sát viên Hoàng Thị Hoa, Trưởng Phòng 9, chia sẻ: Việc xét xử trực tuyến đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong ứng dụng số hóa và công nghệ thông tin vào xét xử; tiết kiệm thời gian, chi phí tố tụng cho đương sự. Đồng thời, qua đó đảm bảo công khai, minh bạch, toàn bộ diễn biến phiên tòa được ghi âm, ghi hình, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp.

Ông Nguyễn Minh Hải, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh khẳng định: Tổ chức phiên tòa trực tuyến, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử của hệ thống Tòa án nhân dân; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện KSND và Tòa án nhân dân, đảm bảo thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.

Tổ chức các phiên tòa trực tuyến không chỉ đảm bảo thực hiện chỉ tiêu, hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội, mà thông qua hoạt động thực tiễn tại phiên tòa trực tuyến, tiếp tục xây dựng đội ngũ kiểm sát viên, thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Tòa án và Viện kiểm sát; đồng thời đảm bảo việc số hóa, lưu trữ và bảo quản hồ sơ vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới