Câu hỏi: Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 so với Luật Giám định tư pháp năm 2012?
Trả lời: Ngày 10/6/2020, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020; Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Theo đó, những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung của Luật Giám định tư pháp năm 2020 gồm: phạm vi của giám định tư pháp; bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực khoa học hình sự (Phòng Giám định hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao); công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; trưng cầu giám định và thời hạn giám định tư pháp...
1. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được giám định âm thanh, hình ảnh:
Quốc hội đã bổ sung Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự. Bổ sung chức năng giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử cho tổ chức này (điểm a, khoản 8, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020).
2. Bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã bổ sung quy định cấp thẻ giám định viên tư pháp nhằm tạo thuận lợi cho giám định viên. Cụ thể, người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì được cấp thẻ giám định viên tư pháp. Người có thẩm quyền bổ nhiệm thì có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp sẽ ban hành thống nhất mẫu thẻ giám định viên tư pháp (điểm c, Khoản 5, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020).
3. Thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 4 tháng:
Đây là quy định hoàn toàn mới được bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp 2020. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng (Khoản 16, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020).
4. Với điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp:
Từ ngày 1/1/2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 có hiệu lực, việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp sẽ được nới lỏng điều kiện. Cụ thể, giám định viên tư pháp cần có từ đủ 3 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng thay vì phải hoạt động từ đủ 5 năm trong Luật Giám định tư pháp năm 2012 (Khoản 9 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020).
5. Giám định viên được bố trí chỗ ngồi phù hợp tại tòa:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã bổ sung thêm quy định về vị trí của giám định viên tư pháp. Theo đó, người giám định tư pháp có quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa (điểm b, Khoản 26 (Khoản 16, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020).
Đồng thời, bổ sung thêm quyền:
- Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân mình hoặc người thân thích;
- Từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ...
6. Thêm trường hợp bị miễn nhiệm giám định viên tư pháp:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung thêm một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp (Khoản 6 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020) như sau:
- Có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật về viên chức và pháp luật về lao động;
- Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp;
- Theo đề nghị của giám định viên tư pháp và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp.
Lường Nhâm (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!