Ngày 11/1/2021, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP (Nghị định 137) của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành, với một số quy định mới phù hợp tình hình thực tế trong công tác quản lý Nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan. Để người dân hiểu đúng, nắm rõ quy định, tránh vi phạm pháp luật về sử dụng pháo trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, phóng viên Báo Sơn La có cuộc trao đổi với Thượng tá Phạm Thanh Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) về vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên Báo Sơn La trao đổi với Thượng tá Phạm Thanh Tâm.
PV: Xin đồng chí cho biết những điểm mới của Nghị định số 137 so với các quy định trước đây về quản lý, sử dụng pháo?
Thượng tá Phạm Thanh Tâm: Điểm mới trong Nghị định số 137 của Chính phủ là phân định rõ khái niệm về các loại pháo, pháo nổ, pháo hoa; các trường hợp được sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ; các đơn vị được sản xuất, cung cấp các loại pháo hoa và pháo hoa nổ...; trong đó, quy định mới và thay đổi cơ bản nhất là việc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, được phép sử dụng pháo hoa trong một số trường hợp cụ thể.
Trước đây, nhiều người dân nhầm lẫn khái niệm pháo hoa, pháo nổ và pháo hoa nổ. Nghị định số 137 quy định rõ, pháo gồm 2 loại: Pháo hoa và pháo nổ. Trong đó, pháo hoa là loại pháo sử dụng sẽ phát ra các tia sáng nhiều màu sắc nhưng không gây tiếng nổ. Hiện nay, các loại pháo hoa này thường là dạng ống, que, nến... được sử dụng trong các dịp cưới hỏi, sinh nhật. Pháo nổ là loại pháo khi sử dụng sẽ gây ra tiếng nổ, bao gồm: Pháo nổ và pháo hoa nổ. Pháo nổ có các loại, như: Pháo bánh, pháo quả, pháo tép, pháo cối... Còn pháo hoa nổ khi sử dụng sẽ vừa phát ra các tia sáng, vừa gây ra tiếng nổ. Hiện nay, các loại pháo hoa nổ thường được sử dụng trong các dịp lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của tỉnh, của đất nước do các đơn vị chuyên trách thực hiện. Tóm lại, người dân có thể hiểu đơn giản là pháp luật chỉ cho phép người dân được sử dụng các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ, còn các loại pháo có gây ra tiếng nổ thì vẫn không được phép sử dụng.
PV: Thưa đồng chí, trên địa bàn tỉnh hiện nay, đơn vị, cơ sở nào được phép kinh doanh pháo hoa và các trường hợp nào được sử dụng pháo hoa?
Thượng tá Phạm Thanh Tâm: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ dân kinh doanh, buôn bán các loại pháo hoa; đặc biệt là các loại ống, que, nến sinh nhật là pháo hoa được sản xuất ở nước ngoài và nhập lậu về Việt Nam để tiêu thụ. Khi Nghị định số 137 có hiệu lực thì việc kinh doanh trên là không đúng quy định. Theo Nghị định số 137, chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất, kinh doanh, buôn bán pháo hoa; người dân khi có nhu cầu sử dụng chỉ được mua các loại pháo hoa tại các đơn vị này. Hiện, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị, cơ sở nào thuộc Bộ Quốc phòng kinh doanh mặt hàng này. Trước mắt, đơn vị sẽ tuyên truyền, vận động người dân không kinh doanh, sản xuất các loại pháo hoa không đúng quy định; đồng thời, tăng cường kiểm tra, thu hồi các loại pháo trong danh mục cấm sử dụng, kinh doanh để tiêu hủy theo quy định. Các trường hợp được sử dụng pháo hoa cũng được pháp luật quy định rất rõ, như: Dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới, hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
PV: Thưa đồng chí, theo Nghị định 137 thì các hành vi nào sẽ bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo?
Thượng tá Phạm Thanh Tâm: Tại điều 5, Nghị định 137 quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác quản lý, sử dụng pháo; trong đó, nhân dân cần lưu ý nhất là việc nghiêm cấm việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; ngoài ra, còn có các quy định khác như nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo hoặc nghiêm cấm việc hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép dưới mọi hình thức.
PV: Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đã đến gần. Để nhân dân đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn, đồng chí có những khuyến cáo gì?
Thượng tá Phạm Thanh Tâm: Trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng pháo trái phép. Đề nghị nhân dân cần hiểu đúng và có ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo; đặc biệt, không sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ để tất cả người dân đón Tết đầm ấm, vui tươi, lành mạnh và an toàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!