Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được huyện Vân Hồ chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Hằng năm, huyện Vân Hồ kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (GDPL); phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành thành viên; nghiêm túc đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục để thực hiện hiệu quả công tác phổ biến GDPL. Đồng thời, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện nay, huyện có 34 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 141 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; ở các bản, tiểu khu đều có tổ hòa giải ở cơ sở, phát huy vai trò truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở ngay tại cơ sở.
Ông Nguyễn Phương Thảo, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện, cho biết: Hằng năm, Hội đồng phối hợp phổ biến GDPL xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường hoạt động hòa giải, tủ sách pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; lồng ghép tuyên truyền thông qua các phong trào, sinh hoạt, hội họp, tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật đến học sinh và nhân dân ngay tại địa bàn, trường học.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị Hội đồng phối hợp phổ biến GDPL huyện đã tổ chức 118 cuộc tuyên truyền, phát 7.215 bộ tài liệu cho 17.178 lượt người tham dự. Đồng thời, mở phiên tòa giả định tại bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình với hơn 300 người tham gia; phiên tòa giả định tại Trường THPT huyện Vân Hồ tuyên truyền về ma túy học đường với trên 700 học sinh và giáo viên tham gia và tuyên truyền lưu động về Luật Giao thông đường bộ. Hiện nay, Viện Kiểm sát nhân dân huyện lập trang facebook đăng các thủ tục tố tụng, hỏi đáp - liên quan đến pháp luật. Các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền tới các hội viên, đoàn viên thông qua nhiều hình thức, như: Lồng ghép các hội nghị, phát tờ rơi, triển khai các cuộc vận động...
Từ đầu năm đến nay, các xã đã tổ chức 56 cuộc tuyên truyền, với 5.642 lượt người tham gia và cấp phát 578 bộ tài liệu tuyên truyền; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên loa truyền thanh của xã và tổ chức 1 cuộc thi tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình tại xã Tân Xuân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Hình sự, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan đến đời sống của nhân dân, như: Chứng thực, đăng ký và quản lý hộ tịch, hộ khẩu, đất đai.
Ông Mùa A Sy, Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, chia sẻ: Là xã thuộc vùng III, nhiều người còn chưa biết chữ. Vì vậy, xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân qua các hội nghị tại xã, bản, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, qua hệ thống loa truyền thanh. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Mông. Ngoài ra, xã còn có tủ sách pháp luật để nhân dân đến tra cứu, tìm hiểu khi cần thiết. Đồng thời, duy trì 9 tổ hòa giải ở các bản, thông qua hòa giải đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn ở cơ sở. Năm 2022, xã Lóng Luông có số điểm đánh giá các tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cao thứ 2 trong huyện, với điểm số 85/100 điểm.
Đến tra cứu tủ sách pháp luật ở xã, ông Hà Văn Ứt, bản Suối Bon, xã Lóng Luông, chia sẻ: Được tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên, cách truyền đạt kiến thức gần gũi với đời sống, tôi và bà con trong bản đã hiểu và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy.
Thông qua tuyên truyền giáo dục pháp luật đã từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền công dân. Hiện nay, 12/14 xã của huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phấn đấu hết năm 2023, có 100% số xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!