Nâng cao chất lượng thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Công tác thẩm định, kiểm tra rà soát văn bản được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Tư pháp tỉnh. Nhờ làm tốt công tác này, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.

Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Hoạt động thẩm định là giai đoạn không thể thiếu trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND. Là cơ quan tham mưu, Sở Tư pháp đưa ra những đánh giá cơ bản và khách quan trên cơ sở quy định của pháp luật, giúp cơ quan soạn thảo chỉnh sửa trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành. Công tác thẩm định văn bản QPPL luôn được đơn vị gắn kết chặt chẽ với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Theo quy định, phạm vi thẩm định dự thảo văn bản bao gồm: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo; sự phù hợp của nội dung dự thảo với các quy định trong văn bản đã giao quy định chi tiết... Do đó, văn bản được ban hành trải qua nhiều giai đoạn. Trong đó, thẩm định là khâu quan trọng, được coi là giai đoạn “tiền kiểm”, giúp cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về nội dung, hình thức của dự thảo văn bản QPPL trước khi ký ban hành. Do đó, ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ do cơ quan soạn thảo gửi đến, lãnh đạo ngành đã giao Phòng xây dựng, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn tại địa phương và tham mưu xây dựng báo cáo thẩm định.

Cán bộ Phòng xây dựng kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật trao đổi nghiệp vụ trong thẩm định văn bản.

Đối với trường hợp thẩm định đề nghị xây dựng chính sách hay dự bản văn bản có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực, Sở thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định để tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, đảm bảo việc thẩm định văn bản được toàn diện, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế địa phương. Nhìn chung, công tác thẩm định của Sở Tư pháp được thực hiện đúng trình tự thủ tục, đảm bảo tiến độ về thời gian quy định; báo cáo thẩm định ngoài việc đảm bảo cấu trúc theo quy định, còn có hướng đề xuất điều chỉnh cụ thể, giúp cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý hoàn thiện dự thảo văn bản.

Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và thẩm định 52 dự thảo văn bản; trong đó, 4 đề nghị xây dựng nghị quyết, 16 dự thảo nghị quyết, 32 dự thảo quyết định. Quy trình xây dựng và thẩm định được thực hiện đúng quy định của pháp luật; đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định. Đồng thời, tham gia ý kiến đối với 33 dự thảo văn bản của Trung ương và 128 dự thảo văn bản của địa phương. Tổ chức hội nghị lấy ý kiến của công chức, viên chức, người lao động tham gia đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL cũng được triển khai đồng bộ. Ngành Tư pháp tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, xử lý và hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2023; công bố danh mục 57 văn bản QPPL đã hết hiệu lực đến ngày 31/12/2022; lập danh mục tự kiểm tra văn bản chuyên đề theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo rà soát Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 13/9/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế hoạt động đo đạc và bản đồ, kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm bản đồ trên địa bàn tỉnh Sơn La; rà soát các văn bản QPPL có quy định liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Với mục tiêu xây dựng, thẩm định văn bản hiệu lực, hiệu quả cao, Sở Tư pháp tập trung tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các kế hoạch về công tác thẩm định văn bản QPPL. Các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015. Tăng cường sự chủ động, phối hợp giữa các ngành với Sở Tư pháp trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; phát huy vai trò của cán bộ làm công tác pháp chế các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới