Sau 5 năm (2016-2020) thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tư pháp và cải cách tư pháp, các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp của tỉnh.
Tập huấn kỹ năng tuyên truyền giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở tại xã Hồng Ngài.
Ảnh: PV
Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh về pháp luật và hoạt động tư pháp được nâng lên. Hoạt động tư pháp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động tư pháp phát huy hiệu quả. Đội ngũ cán bộ tư pháp được quan tâm cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tiến độ giải quyết một số vụ án còn chậm; vẫn còn việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Còn có bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Một số vụ việc thi hành án dân sự về tham nhũng kết quả còn thấp, công tác phối hợp trong thi hành án có việc chưa kịp thời...
Thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tư pháp cần tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, các đạo luật mới có liên quan đến công tác cải cách tư pháp. Tiến hành rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương phù hợp với quy định của các luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong phối hợp hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp các cấp, Hội luật gia, đoàn luật sư và các cơ quan bổ trợ tư pháp. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, kịp thời đánh giá đúng tình hình, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Tiếp tục quan tâm đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, liêm chính, công tâm, giỏi về nghiệp vụ, am hiểu sâu sắc về pháp luật, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tăng cường chất lượng giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Thực hiện tốt hoạt động tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tư pháp, làm tốt công tác đối ngoại và hợp tác với các cơ quan tư pháp các tỉnh Bắc Lào trong lĩnh vực tư pháp.
Nhiệm vụ công tác tư pháp và cải cách tư pháp là nhiệm vụ liên tục, lâu dài, trọng tâm và xuyên suốt, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp, phấn đấu vì mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”
Hà My
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!