Ngay sau khi Luật Đặc xá được ban hành và có hiệu lực, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho lãnh đạo các sở, ban, ngành và lực lượng Công an nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các trại tạm giam, nhà tạm giữ của Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Đặc xá cho toàn thể phạm nhân biết, hiểu về chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với những người phạm tội bị kết án phạt tù phấn đấu rèn luyện, chấp hành cải tạo tốt để hưởng đặc xá.
Các phạm nhân hoàn tất thủ tục hưởng đặc xá.
Theo đó, hằng năm, Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo đơn vị chức năng và công an các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ chuyên ngành và lồng ghép tuyên truyền Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự, Luật Hình sự và chuyên đề Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy... nhất là các lớp tập huấn đối với lực lượng quản lý hành chính về ANTT, công an xã và lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự... Cùng với đó, thường xuyên chỉ đạo trại tạm giam, nhà tạm giữ công an các huyện, thành phố đưa việc tuyên truyền Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách đối với phạm nhân vào chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại tạm giam. Đảm bảo 100% phạm nhân chấp hành án tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ đều được học nội quy trại giam và các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách đối với phạm nhân. Kết quả, 8 năm qua, đã tổ chức 30 buổi tuyên truyền Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự... cho gần 800 lượt phạm nhân. Bên cạnh đó, Trại tạm giam Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp đầu ra cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt hoặc phạm nhân đã được Tổ thẩm định liên ngành duyệt đề nghị xét đặc xá; thường xuyên mở hội nghị gia đình phạm nhân, tuyên truyền về chính sách, pháp luật, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng tìm việc làm cho phạm nhân... quyền, nghĩa vụ của phạm nhân trong khi chấp hành án cũng như sau khi chấp hành xong án phạt tù, đặc xá về địa phương; trách nhiệm của gia đình phạm nhân phối hợp với các đơn vị chức năng quản lý, giám sát, giáo dục; tìm kiếm việc làm, tái hòa nhập cho phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, từ đó hạn chế vi phạm pháp luật và tái phạm tội.
Sau 8 năm thực hiện Luật Đặc xá, đến nay, tỉnh ta có 913 trường hợp được đặc xá về cư trú trên địa bàn tỉnh, trong đó có 40 trường hợp chấp hành án phạt tại Trại giam, Trại tạm giam Công an tỉnh và nhà tạm giữ công an các huyện, thành phố được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá. Việc xét đặc xá được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, nghiêm minh, chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, kịp thời và đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, không có sai sót, tiêu cực xảy ra. Cơ quan thi hành án không nhận được bất cứ đơn thư khiếu nại nào về đặc xá. Công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, được Công an tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt. Nhờ vậy, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần giữ vững an ninh Quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt Luật Đặc xá, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để nhân dân tham dự, theo dõi, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự; qua đó, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, hướng dẫn trong thực hiện công tác đặc xá; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về cư trú tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật, phục vụ tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!