Những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân khu vực biên giới đã trở thành hoạt động thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.
Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Nêu cao tinh thần, khẩu hiệu “Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên về pháp luật”, không chỉ cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ mới thực hiện tuyên truyền, mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn tuyên truyền miệng thông qua các buổi tuần tra, kiểm soát, tại các buổi giúp dân, xuống địa bàn thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền với những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế từng địa bàn biên giới, như lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, địa phương, chào cờ đầu tuần; phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở; tổ chức tuyên truyền tại các hộ gia đình. Trong năm 2022, các đơn vị BĐBP trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương, tuyên truyền hơn 1.000 cuộc cho hơn 16.700 lượt người trong khu vực biên giới chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đến nay đã có 73/73 bản giáp biên giới, với hơn 4.462 hộ tự nguyện đăng ký tham gia tự quản hơn 274 km đường biên giới và 125 cột mốc quốc giới; thành lập 286 tổ an ninh trật tự, với 1.784 thành viên. Tổ chức 121 cuộc giúp dân phát triển kinh tế, với hơn 600 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.190 người; mở 7 lớp xóa mù chữ cho 230 học viên; thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” hỗ trợ 79 cháu học sinh, mỗi cháu 500.000 đồng/tháng; nuôi 7 cháu học sinh tại 5 đồn biên phòng theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”; tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới...
Đại úy Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, cho biết: Nhân dân tại các bản biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người dân chưa biết tiếng phổ thông, trình độ nhận thức hạn chế. Vì vậy, đa dạng và linh hoạt trong tuyên truyền, PBGDPL, đơn vị đã chú trọng lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ là người dân tộc, có kinh nghiệm công tác lâu năm tại khu vực biên giới, am hiểu tình hình địa bàn, phong tục tập quán để tuyên truyền, PBGDPL. Sử dụng loa di động tuyên truyền lưu động và cử cán bộ tới từng nhà, từng lán nương để tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu. Giúp nhân dân đưa cây con giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, hỗ trợ người dân từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu có 92 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông. Nằm ở vùng giáp biên, người dân luôn chấp hành pháp luật, không vượt biên trái phép, chăm chỉ lao động sản xuất, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Có được những kết quả này, những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập đã thực hiện phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc, để vừa tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ,vừa giúp đỡ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ bỏ các tập quán lạc hậu và xây dựng đời sống văn hóa.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, với phương châm ấy, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đang ngày đêm bảo vệ, quản lý đường biên, cột mốc và nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân. Qua đó, tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới giảm, đời sống nhân dân ổn định, bà con tin tưởng, tích cực cùng với Bộ đội Biên phòng xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!