Thuận Châu có trên 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức pháp luật của nhân dân có mặt còn hạn chế. Trước thực trạng đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng linh hoạt, chủ động, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển rõ nét về nhận thức và hành động của nhân dân trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật.
Cán bộ tư pháp hộ tịch xã Chiềng Pha tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Ông Lò Văn Lưu, Trưởng phòng Tư pháp huyện Thuận Châu, cho biết: Đảm bảo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực và đạt hiệu quả cao, hằng năm, Phòng tham mưu xây dựng, thực hiện kế hoạch của UBND huyện về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; tham mưu củng cố, kiện toàn hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, xây dựng quy chế hoạt động của hội đồng phối hợp PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện; tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật cấp xã, hướng dẫn cơ sở kiện toàn các CLB trợ giúp pháp lý, các tổ hoà giải cơ sở. Đôn đốc các tổ chức, đoàn thể huyện gắn với công tác chuyên môn xây dựng chương trình phối hợp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL theo từng chuyên đề, nội dung thiết thực, sát thực tế với từng đối tượng, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; phối hợp tổ chức các hoạt động PBGDPL cho các đối tượng đặc thù phù hợp với điều kiện; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải viên ở cơ sở...
Phòng Tư pháp huyện cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đổi mới nội dung tuyên truyền pháp luật, xây dựng đảm bảo tiêu chí “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”. Hình thức tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, đối với cán bộ, công chức, viên chức, việc tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi họp, giao ban cơ quan, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể; đối với nhân dân, tuyên truyền trực tiếp trong các buổi họp chi bộ, thôn, bản, tổ dân phố, phát tờ rơi, tờ gấp, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ... Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật gián tiếp được ưu tiên áp dụng rộng rãi thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, loa phát thanh lưu động và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội Zalo, Facebook để thông tin tuyên truyền, PBGDPL kịp thời tới nhân dân. Các xã, thị trấn, tổ chức đoàn thể phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín, tổ hòa giải thông qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày tại nơi cư trú để thực hiện tuyên truyền và PBGDPL. Qua đó, đã góp phần phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong PBGDPL cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Với những cách làm đa dạng, linh hoạt, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức và lồng ghép 170 cuộc tuyên truyền, PBGDPL thu hút hơn 42.000 lượt người tham dự; treo trên 100 băng rôn, khẩu hiệu; biên soạn và phát hành hàng nghìn bộ tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL; biên tập, sản xuất hơn 100 chương trình phát thanh bằng tiếng Kinh, Thái, Mông; tuyên truyền trên hệ thống loa cơ sở trên 2.500 lượt; tuyên truyền bằng hình thức lưu động 100 buổi; trang bị thêm đầu sách cho tủ sách pháp luật. Qua đó, trực tiếp giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật cho người dân địa phương. Hiện, huyện có 23/29 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...
Tại xã vùng cao Long Hẹ, nơi có hơn 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hơn 70% là đồng bào dân tộc Mông, trình độ nhận thức người dân còn nhiều hạn chế, tệ nạn tội phạm ma túy, tảo hôn, tranh chấp đất đai vẫn diễn ra. Ông Vừ A Hờ, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, sử dụng tiếng địa phương, trực tiếp đến từng bản, từng nhà để tuyên truyền. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật gồm 10 thành viên đang công tác tại Đảng ủy, HĐND, UBND xã, sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn và tư vấn pháp luật cho người dân; xã có 14 tổ hòa giải tại với 94 hòa giải viên, gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận cùng đại diện các tổ chức đoàn thể. Từ năm 2021 đến nay, Hội đồng PBGDPL xã đã phối hợp tổ chức 3 cuộc tuyên truyền PBGDPL tại 3 bản Chà Mạy, Co Nhừ, Nà Nôm, thu hút hơn 250 người dân tham gia; phát hành trên 500 tài liệu, tờ rơi liên quan đến kiến thức pháp luật... Đến nay, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của bà con từng bước được nâng lên, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đất đai, tảo hôn, tệ nạn ma túy trên địa bàn xã đã giảm hẳn.
Ông Vàng Dúa Di, bản Chà Mạy, chia sẻ: Được huyện, xã, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên xuống tận bản và gia đình tuyên truyền, PBGDPL về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các luật và các hành vi vi phạm pháp luật, tôi cùng các hộ dân trong bản đã hiểu biết hơn về pháp luật và chấp hành nghiêm các quy định, nội quy của xã, bản và không vi phạm pháp luật, bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu, tích cực lao động phát triển kinh tế.
Có thể thấy, việc đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL linh hoạt, đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện địa bàn, đặc điểm từng nhóm đối tượng tại huyện Thuận Châu đã kịp thời truyền tải kiến thức, quy định, các điều luật đến với người dân, từng bước nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật cho người dân, giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!